Nvidia, nhà sản xuất chip đóng vai trò quan trọng trong công cuộc thúc đẩy cuộc cách mạng AI, vừa chạm vốn hoá 2.000 tỷ USD.
Nvidia, nhà sản xuất chip đóng vai trò quan trọng trong công cuộc thúc đẩy cuộc cách mạng AI, vừa chạm vốn hoá 2 nghìn tỷ USD trong phiên giao dịch sáng nay. Hành trình trở thành một trong những công ty giá trị nhất nước Mỹ khởi nguồn từ một quán rượu nhỏ có tên Denny’s vào năm 1993, sau đó nhanh chóng được thúc đẩy nhờ nhu cầu với GPU hoặc bộ xử lý đồ họa. Những con chip này, trị giá hàng chục nghìn USD mỗi sản phẩm, đã trở thành mặt hàng khan hiếm quý giá và Nvidia ước tính chiếm hơn 80% thị trường.
Nhu cầu vượt quá sản lượng, đồng thời thúc đẩy một loạt các đối thủ cạnh tranh. Khả năng bảo mật GPU quyết định tốc độ các công ty phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo mới. Các con chip được sử dụng như tài sản thế chấp để hỗ trợ các khoản vay trị giá hàng tỷ USD và theo Fletcher Previn, giám đốc thông tin của Cisco, chúng giá trị đến mức được chuyển đến công ty mạng Cisco Systems bằng xe bọc thép.
Vào thứ Tư mới đây, sau khi Nvidia công bố kết quả vượt dự báo trong quý thứ ba liên tiếp, các giám đốc điều hành cho biết nguồn cung vẫn vô cùng khan hiếm và thế hệ chip AI mới dự kiến ra mắt trong năm nay sẽ bị ảnh hưởng.
Chip là bộ phận quan trọng trong hoạt động đào tạo mô hình ngôn ngữ khổng lồ, làm nền tảng cho các bot AI như ChatGPT của OpenAI. Phần lớn chi tiêu cho AI của các công ty công nghệ như Microsoft, Alphabet và Amazon.com đều dành cho GPU.
Jensen Huang, Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập của Nvidia, cho biết Generative AI đang khởi động làn sóng đầu tư trị giá hàng nghìn tỷ USD mà ông tin rằng sẽ tăng gấp đôi số lượng trung tâm dữ liệu trên thế giới trong 5 năm tới. Nvidia chắc chắn được hưởng lợi.
“Một ngành hoàn toàn mới đang hình thành và điều đó thúc đẩy sự phát triển của chúng tôi”, ông nói.
Nvidia hôm thứ Tư báo cáo doanh thu hàng quý là 22,1 tỷ USD. Doanh thu quý hiện tại dự kiến đạt 24 tỷ USD, cao hơn gấp 3 lần so với con số được công bố một năm trước đó. Cổ phiếu mở cửa phiên giao dịch thứ Sáu (theo giờ Mỹ) ở mức 807,90 USD, qua đó đưa định giá công ty chạm mốc hơn 2 nghìn tỷ USD.
Được thành lập cách đây hơn 30 năm với trọng tâm ban đầu là chip đồ họa máy tính dành cho chơi game trên PC, Nvidia đã sớm tập trung vào AI. Huang, một trong những CEO có thâm niên lâu nhất ngành công nghệ, hiện sở hữu 86,6 triệu cổ phiếu Nvidia. Theo FactSet, chúng trị giá khoảng 68 tỷ USD.
Huang đặt nền móng cho sự phát triển AI từ năm 2006 sau khi phát triển chip phục vụ các mục đích ngoài đồ hoạ. Các kỹ sư nhanh chóng bắt đầu tận dụng những con chip này để xây dựng các hệ thống AI phức tạp phù hợp với cách hoạt động của chip đồ họa bằng cách thực hiện vô số phép tính cùng một lúc.
Hàng chục nghìn GPU tiên tiến nhất của Nvidia, được gọi là H100, đã được sử dụng để tạo ra các hệ thống AI tinh vi nhất. Chúng rất đắt tiền và có giá khoảng 25.000 USD mỗi sản phẩm, theo ước tính của các nhà phân tích.
Chỉ trong vài năm, Nvidia, từ một công ty chủ yếu tập trung vào phân khúc chip trò chơi điện tử cao cấp, đã trở thành ‘đế chế’ AI trị giá hơn 2 nghìn tỷ USD, sau đó gia nhập hàng ngũ những gã khổng lồ công nghệ như Apple, Microsoft, Amazon hay Alphabet.
Cách đây 30 năm, điều đó gần như là không thể bởi chỉ khi AI bùng nổ, Nvidia mới thực sự tỏa sáng dưới thời ông Jensen Huang. Vị CEO này đã điều hành công ty kể từ khi mái đầu chưa bạc và sau 3 thập kỷ vẫn tích cực tham gia vào hoạt động nội bộ, quản lý 50 giám đốc điều hành cấp cao và họp hành cùng nhân viên cấp dưới.
“Công ty chính là hiện thân của ông ấy. Ông ấy làm mọi thứ, thậm chí có khi là quét sàn”, một nhân viên cho biết.
Với năng lực định nghĩa lại lĩnh vực điện toán đầu thế kỷ 20 giống như cách Intel đã làm trong thập niên 90, Nvidia bùng nổ trước nhu cầu của GPU – những con chip tiên tiến cung cấp ‘oxy’ cho trí tuệ nhân tạo cũng như hầu hết những loại công nghệ khác. Mô hình AI yêu cầu hàng chục nghìn đơn vị xử lý đồ họa này có thể xử lý nhiều tác vụ tính toán cùng lúc và ông Huang đã đầu tư lớn vào GPU trước khi thị trường bùng nổ. Vai trò trung tâm của Nvidia trong nền kinh tế AI cũng được coi là động lực giúp cổ phiếu tập đoàn đánh bại mọi công ty khác trong rổ chỉ số S&P 500 năm nay.
Chip Nvidia đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cơ sở hạ tầng đám mây. Các nhà khai thác trung tâm dữ liệu đã cùng nhau chi 15 tỷ USD vào năm ngoái cho các đơn đặt hàng số lượng lớn. “Nvidia phải vấp ngã vì một lý do nào đó thì các đối thủ cạnh tranh mới có cơ hội”, Chris Mack, nhà phân tích tại Harding Loevner LP, một công ty đầu tư sở hữu khoảng 160 triệu USD cổ phiếu Nvidia, cho biết.
Theo Vũ Anh
An Ninh Tiền Tệ