Colin Powell – từ tướng da màu tới ngoại trưởng Mỹ gây tranh cãi

0

Colin Powell trong một sự kiện ở bang New York, Mỹ, năm 2013. Ảnh: Reuters.

Colin Powell là người da màu đầu tiên làm tướng hàng đầu quân đội Mỹ, cũng là ngoại trưởng hứng nhiều chỉ trích vì cuộc tấn công Iraq năm 2003.

Gia đình cựu ngoại trưởng Mỹ Colin Powell cho biết ông qua đời ở tuổi 84 tại Trung tâm Y tế Quốc gia Walter Reed ở thủ đô Washington DC hôm nay do biến chứng của Covid-19.

Ông là chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân da màu đầu tiên và trẻ nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đồng thời cũng là một trong những người gây tranh cãi nhất với vai trò Ngoại trưởng Mỹ dưới thời cựu tổng thống George W. Bush.

Binh nghiệp

Colin Luther Powell sinh ngày 5/4/1937 tại Harlem, New York, trong một gia đình người nhập cư Jamaica. Ông theo học Cao đẳng Thành phố New York và gia nhập chương trình đào tạo sĩ quan dự bị (ROTC) của lục quân Mỹ, trở thành chỉ huy đội biểu diễn đội hình và được trao quân hàm cao nhất của ROTC.

“Tôi thích cấu trúc và kỷ luật của quân đội. Tôi cảm thấy nổi bật khi mặc quân phục, đó là cảm giác không có được trong những trang phục khác”, Powell cho biết hồi đầu thập niên 2000.

Powell gia nhập lục quân Mỹ sau khi tốt nghiệp cao đẳng năm 1958, từng hai lần triển khai tới Việt Nam trong năm 1962-1963 và 1968 với vai trò cố vấn, bị thương hai lần khi làm nhiệm vụ. Ông ở lại quân ngũ sau khi về nước, theo học tại Cao đẳng Chiến tranh Quốc gia và bắt đầu thăng tiến.

Powell được thăng quân hàm thiếu tướng năm 1979, được bổ nhiệm làm Cố vấn An ninh Quốc gia dưới thời tổng thống Ronald Reagan và trở thành Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ vào năm 1989, dưới thời chính quyền tổng thống George H. W. Bush. Ở tuổi 52, ông là người da màu đầu tiên và cũng là sĩ quan trẻ nhất từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ.

Colin Powell sau khi nhậm chức Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ. Ảnh: Lầu Năm Góc.

Nhiệm kỳ của Powell chứng kiến hàng loạt chiến dịch quân sự đáng chú ý nhất của Mỹ vào cuối thế kỷ 20, trong đó có tấn công Panama năm 1989 để lật đổ tướng Manuel Noriega, Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 và chiến dịch can thiệp quân sự vào Somalia. Ông từ chức Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ và nghỉ hưu chỉ vài ngày trước khi diễn ra trận đánh thảm họa của lục quân Mỹ ở Mogadishu, trong đó 19 lính Mỹ thiệt mạng, 73 người bị thương khi lực lượng Mỹ cố gắng bắt trợ lý của một thủ lĩnh địa phương.

Powell ban đầu không sẵn sàng triển khai lính Mỹ khi Iraq tấn công Kuwait năm 1990, nhưng nhanh chóng trở thành một trong những phát ngôn viên được tin cậy nhất của chính quyền Bush khi xung đột bùng phát. Powell được coi là anh hùng quốc gia của Mỹ với tỷ lệ ủng hộ 71% trong suốt nhiều năm sau Chiến tranh Vùng Vịnh.

Ngoại trưởng Mỹ trong giai đoạn rối ren

Sau khi chấm dứt sự nghiệp quân ngũ, Powell từng được xem là một trong những ứng viên tiềm tàng cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 1996. Tuy nhiên, ông từ chối tranh cử với lý do “không hứng thú”. Ông lại được khuyến khích chạy đua vào năm 2000 nhưng tiếp tục từ chối, thay vào đó ủng hộ ứng viên Cộng hòa George W. Bush.

Powell là thành viên nội các đầu tiên được Bush đề cử sau khi chiến thắng. Chuyên môn về chính sách đối ngoại và sức ảnh hưởng lớn khiến ông được Thượng viện Mỹ nhất trí phê chuẩn, trở thành ngoại trưởng thứ 65 của nước này.

Bush và Powell có chung quan điểm không sẵn sàng triển khai sức mạnh quân sự Mỹ ra toàn cầu, nhưng điều này nhanh chóng thay đổi sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Với vai trò là nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, Powell có nhiệm vụ xây dựng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế với cuộc chiến chống khủng bố, trong đó có chiến tranh Afghanistan.

Dù vậy, điểm nhấn lớn nhất chính là vai trò hàng đầu trong nỗ lực của chính quyền Bush nhằm tìm kiếm lý do tấn công Iraq, bất chấp lo ngại của nhiều đồng minh và sự phản đối của quốc tế.

Ngày 5/2/2003, Powell phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và đưa ra chiếc lọ chứa chất bột trắng, được tình báo Mỹ khẳng định là bằng chứng cho thấy Iraq đánh lừa thanh sát viên quốc tế và che giấu vũ khí hủy diệt hàng loạt. “Không còn nghi ngờ gì về việc Saddam Hussein sở hữu vũ khí sinh học và có khả năng sản xuất nhiều hơn nữa”, Powell nói.

Colin Powell trong cuộc họp Hội đồng Bảo an ngày 5/2/2003. Ảnh: AP.

Chỉ 6 tuần sau, Mỹ khởi đầu chiến dịch quân sự nhằm vào Iraq. Các thanh sát viên sau này không tìm thấy loại vũ khí nào như vậy ở nước này. Hai năm sau bài phát biểu, báo cáo của chính phủ Mỹ kết luận cộng đồng tình báo đã “sai lầm hoàn toàn” trong đánh giá về năng lực vũ khí hủy diệt hàng loạt của Baghdad.

Powell rời Bộ Ngoại giao Mỹ vào đầu năm 2005 sau khi nộp đơn từ chức, thừa nhận bài phát biểu tại Hội đồng Bảo an là “vết nhơ sẽ mãi gắn liền với tôi”.

“Tôi thấy hối tiếc vì đó là thông tin sai, nhưng tôi sẽ luôn bị nhớ đến với tư cách là kẻ đưa sự việc ra trước cộng đồng quốc tế. Tôi đã làm thay đổi quan điểm của công chúng, đó là điều không phải bàn cãi”, Powell nói hồi năm 2010, đề cập tới sức ảnh hưởng từ bài phát biểu trước Liên Hợp Quốc với thái độ ủng hộ của công chúng Mỹ.

Trong hồi ký năm 2012, Powell tiếp tục nhắc đến bài phát biểu và cho biết những lời trong cuốn sách sẽ là lần cuối ông công khai nhắc đến điều này.

“Tôi tức giận với chính bản thân mình vì không phát hiện vấn đề. Bản năng của tôi đã thất bại. Đó không phải lần đầu tiên, nhưng là sai lầm nghiêm trọng nhất và gây ảnh hưởng rộng nhất. Sự kiện này chắc chắn sẽ chiếm phần nổi bật trong điếu văn của tôi”, Powell viết.

Vũ Anh (Theo CNN)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here