Con dâu “giả nai” để cảm hóa mẹ chồng ghê gớm một cách ngoạn mục

0

Bị mẹ chồng chèn ép khi vừa mới sinh con, Lan quyết tâm tìm cách “trị” mẹ chồng.

Khi yêu mặn nồng, háo hức cho cuộc sống gia đình biết bao nhiêu, nhưng kết hôn rồi lại gặp nhiều chuyện rắc rối, rào cản trong gia đình của cô dâu trẻ Xuân Lan khi mới về nhà chồng. Suốt chặng đường cưới xin, rồi tuần trăng mật đi qua khá êm ả giữa Xuân Lan và chồng, cũng chưa thấy mẹ chồng hay gia đình bên chồng có điều gì phải băn khoăn, lo lắng.

Lấy chồng được gần một năm cũng đúng dịp mẹ chồng đi chăm cháu ở xa, nên thời gian đó đối với Xuân Lan là quãng thời gian đẹp đẽ khi bước vào hôn nhân. Cho đến khi mẹ chồng Lan trở về cũng là lúc cô chuẩn bị sinh con. Mẹ chồng cô vội vã trở lại để thăm cháu nội mới chào đời.

Tưởng rằng được mẹ chồng giúp đỡ, chiều chuộng, nào ngờ Lan đã phải nhận ngay “thông điệp” đầy quả quyết của mẹ chồng, rằng bà không phải giúp việc, không nhất thiết phải lo việc nhà và chăm cháu. Rồi bà còn bóng gió cho rằng Lan ỷ thế trẻ, mới sinh con được chồng bênh nên tính chuyện lười biếng, phó thác mọi chuyện cho chồng và mẹ chồng. Bà còn nói thẳng với chồng Lan là nếu không biết dạy vợ từ sớm, sau này nó đè đầu cưỡi cổ, tác oai tác quái trong nhà.

Mang tiếng là đến chăm cháu mà mẹ chồng Lan suốt ngày bà đi chơi với bè bạn. Lúc thì du lịch, lúc thì hội hè, đình đám, nhóm nọ, hội kia hăng hái góp mặt. Đã thế, lúc ở nhà còn hơn cả khách, đòi hỏi chuyện ăn uống, quần áo diện phải nhất hội cao niên trong xóm. Cả ngày “cày” phim, việc cơm nước, chợ búa là việc của con dâu, mẹ chồng Lan không hề động tay vào, thậm chí hễ đói là đòi con dâu mua đồ ăn lót dạ hoặc giục cuống nấu nướng, dọn cơm.

(Ảnh minh họa)

Mới sinh con vài tháng, cơ thể còn yếu, vậy mà Lan đành một thân một mình vừa chăm con, vừa phải cáng đáng việc nhà trong tiếng quấy khóc của con, tiếng ỷ ôi xép nép của mẹ chồng chê bai con dâu đoảng việc nhà, vụng việc chăm con. Nhiều lúc như muốn khóc hay ôm con về thẳng nhà bố mẹ đẻ, nhưng Lan nghĩ sợ vợ chồng xa cách nhau dễ dẫn đến đổ vỡ.

Nhiều lần tâm sự với chồng, được chồng đứng ra nhờ vả mẹ chồng đỡ đần cho con dâu nhưng đâu vẫn vào đấy. Không đành lòng cam chịu, Lan đã quyết tìm giải pháp để “cải tạo” mẹ chồng. Thông qua các kênh tham khảo từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp… Lan đã đúc rút ra được kế sách cho riêng mình.

Đầu tiên, Lan học cách “giả nai”, dẫu có biết làm mọi công việc nhà, pha sữa cho con thì Lan vẫn cố tình như chưa biết làm, lóng nga lóng ngóng đến tội nghiệp, rồi Lan tới nịnh mẹ chồng chỉ bảo, hướng dẫn. Ban đầu mẹ chồng cô khó chịu, sau dần dần bà làm hướng dẫn để con dâu học tập. Được mẹ chồng làm giúp, Lan lại tâng bốc bà nào là tuyệt vời, khéo tay, mát tay chăm cháu… Rồi đến một ngày, ngay cả thay tã, tắm cho con, nấu nướng cũng bị mẹ chồng Lan tranh làm.

Lan cứ tấm tắc khen mẹ chồng nấu ăn giỏi, chăm cháu tài… cùng với đó là những món quà Lan mua tặng mẹ chồng. Từ một người mải chơi, khó tính, mẹ chồng Lan đã giảm dần cho đến dứt hẳn các cuộc đi chơi, tiệc tùng với bạn bè, lối xóm, cả ngày ôm cháu, tranh việc nhà với con dâu. Gia đình lúc nào cũng tràn ngập niềm vui bởi mẹ chồng chu đáo, con dâu lễ phép, gia đình hòa thuận, khác hẳn bầu không khí căng thẳng trước đây.

Lan cũng cảm thấy vui khi “cảm hóa” được mẹ chồng, may mà chọn đúng cách dù đôi khi thấy việc “giả ngu”, “giả nai” của mình không đúng với cách sống bầy lâu nay. Tuy nhiên, kết quả mà gia đình đang có mới thực sự quan trọng. Lan đã rút ra một trải nghiệm, mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu xưa nay vốn dĩ xung khắc, nhưng hóa giải cũng không phải quá khó, chỉ cần thật lòng và “đánh trúng” tâm lý sẽ có kết quả như mong muốn.

Theo Ngọc Hoa (Gia đình & Xã hội)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here