Lo “quái vật” Delta, nhiều người sang Mỹ tiêm vắc xin Covid-19 bổ sung

0

Vắc xin hiện là “vũ khí” hiệu quả nhất ngăn chặn Covid-19 (Ảnh minh họa: Getty).

Do lo ngại sự nguy hiểm của biến chủng Delta, nhiều người đã quyết định đến Mỹ để tiêm thêm vắc xin Covid-19 dù trước đó đã tiêm chủng ở nơi khác.

Đầu năm nay, bà Alison Toni cảm thấy rất may mắn khi được tiêm chủng ở Chile. Một tháng sau, Toni, 55 tuổi, một người Mỹ sống tại Chile, đã quyết định bay sang Minnesota, Mỹ để được tiếp tục tiêm chủng.

Bà Toni đã tranh thủ tiêm vắc xin khi về thăm gia đình ở Minneapolis vào tháng 4. Bà sau đó đã tiêm 2 liều Pfizer nhưng không tiết lộ cho đơn vị tiêm chủng rằng mình đã được tiêm vắc xin trước đó. “Họ không hỏi và tôi thì không nói”, Toni cho biết, nhấn mạnh bà đã hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sang Mỹ tiêm thêm vắc xin.

Bà Toni là một trong những người tới Mỹ để tiêm vắc xin lần 2, hoặc có kế hoạch sẽ làm như vậy. Họ có nhiều lý do cho việc này, từ việc lo ngại vắc xin họ đã tiêm lần đầu chưa đủ hiệu quả, lo rằng họ chưa có đủ lớp bảo vệ trước biến chủng Delta nguy hiểm, hoặc cần tiêm để đảm bảo yêu cầu cụ thể cho công việc hoặc di chuyển. Một số đã hỏi ý kiến của bác sĩ, số khác đưa ra quyết định bằng cách tự tìm hiểu.

Trên thế giới, một số nước đã bắt đầu chương trình tiêm chủng liều thứ 3 cho người dân dựa trên lo ngại rằng khả năng bảo vệ từ những liều vắc xin ban đầu có thể giảm dần theo thời gian và liều tiêm tăng cường sẽ giúp ngăn biến chủng Delta, đặc biệt với nhóm người lớn tuổi hoặc có sức đề kháng yếu.

Tuy nhiên, hiện vẫn có rất ít dữ liệu về rủi ro hay lợi ích của việc tiêm mũi thứ 3, và chiến lược này cũng gây tranh cãi nhất định khi nó có thể làm ảnh hưởng tới nguồn cung vắc xin toàn cầu, khiến những nước thu nhập thấp và trung bình khó mua đủ chế phẩm để tiêm cho toàn dân.

Mặc dù vậy, do lo ngại về Delta, nhiều người vẫn quyết định sẽ sang Mỹ để tiêm thêm vắc xin.

Kỹ sư 36 tuổi người Chile Ricardo Dayne đã tiêm mũi Pfizer đầu tiên ở New York vào tháng 6, sau khi đã tiêm chủng mũi Sinovac đầu tiên ở quê nhà vào tháng 4. “Mọi người đều nói về sự cần thiết của liều bổ sung, nên tôi quyết định mình sẽ đi tiêm”, Dayne cho biết.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) tuần trước đã cấp phép tiêm liều vắc xin thứ 3 cho nhóm người bị suy giảm miễn dịch – ước tính vào khoảng 3% dân số Mỹ.

Trong khi đó, tình trạng dư thừa vắc xin ở Mỹ, cùng với hệ thống chăm sóc sức khỏe phi tập trung, khiến người dân dễ dàng đến các trung tâm tiêm chủng để tiêm thêm vắc xin. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính rằng, hơn 1,2 triệu người Mỹ đã tiêm ít nhất một liều bổ sung sau khi hoàn thành phác đồ tiêm chủng ban đầu.

Trong khi nhiều người lo ngại về hiệu quả của vắc xin nên quyết định sang Mỹ tiêm thêm, một số trường hợp khác lại phải buộc tiêm thêm để đáp ứng theo yêu cầu làm việc và học tập.

Ví dụ, Wu Jing, 22 tuổi, nói rằng anh không có lựa chọn khác. Wu đã được tiêm vắc xin Sinovac vào tháng 12/2020 khi ở Trung Quốc, trước khi sang Mỹ để học đại học Princeton.

Khi sang Mỹ, anh nghe được tin rằng trường này có yêu cầu sinh viên nộp bằng chứng về việc đã được tiêm chủng vắc xin mà FDA phê duyệt. Sinovac chưa được FDA phê duyệt và bộ phận y tế của Princeton đã khuyến nghị Wu đi tiêm chủng lại.

Wu cảm thấy lo ngại về việc tiêm 2 loại vắc xin khác nhau nhưng cuối cùng đã quyết định tiêm vắc xin Johnson & Johnson. Tuy nhiên, Princeton sau đó đã công bố chính sách mới, chấp nhận mọi vắc xin mà WHO đã phê duyệt, bao gồm cả Sinovac. “Nếu biết trước là tiêm vắc xin Trung Quốc là đủ rồi, tôi sẽ không đi tiêm thêm nữa”, Wu nói.

Mỹ hiện đang lên kế hoạch yêu cầu hầu hết người tới nước này phải tiêm đủ liều vắc xin và giới chuyên gia lo ngại điều đó sẽ gây ra khó khăn cho những người từng tiêm vắc xin chưa được FDA phê duyệt.

Tiến sĩ Amesh Adalja từ đại học John Hopkins (Mỹ) kêu gọi các nước nên chuẩn hóa định nghĩa về “tiêm chủng đầy đủ” để bao gồm cả các loại vắc xin có thể chưa được phê chuẩn ở quốc gia của họ, nhưng vẫn có hiệu quả chống Covid-19. Bà cảnh báo rằng, nếu vấn đề này không được giải quyết sớm, các trường hợp tương tự như Wu có thể lặp lại thêm nhiều lần.

Đức HoàngTheo Reuters

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here