Tăng tốc tiêm chủng, Đông Nam Á tìm cách sống chung với Covid-19

0

Covid-19 khiến hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn (Ảnh: Reuters).

Nhiều nước Đông Nam Á đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc xin để mở cửa trở lại và chung sống an toàn với Covid-19.

Theo Bloomberg, từ các nhà máy ở Malaysia hay các tòa nhà văn phòng ở Singapore đến các tiệm cắt tóc ở Philippines, giới chức các nước này đang rục rịch kế hoạch mở cửa trở lại, tìm cách cân bằng giữa chống dịch và duy trì sinh nhai cho người dân. Điều này dẫn đến các biện pháp thử nghiệm như điều quân đội hỗ trợ cung cấp lương thực, hay cho phép công nhân làm việc và cách ly ngay tại nhà máy, phong tỏa từng phần hay chỉ cho phép những người đã tiêm chủng được đến nhà hàng, văn phòng.

Trái với Mỹ và châu Âu – những nơi đã dần dần mở cửa trở lại, ở Đông Nam Á, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 vẫn còn ở mức thấp khiến các nước này dễ bị tổn thương hơn trước sự lây lan của biến chủng Delta. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình ngân sách công ngày vốn căng thẳng sau các đợt kích thích ở những làn sóng trước, biện pháp phong tỏa dường như không còn khả thi.

“Đó là bài toán cân bằng giữa chống dịch và đảm bảo đời sống kinh tế”, Krystal Tan, chuyên gia kinh tế của Australia & New Zealand Banking Group ở Singapore, nhận định.

Việc nhiều nhà máy ở Đông Nam Á phải ngừng hoạt động, gây gián đoạn các chuỗi cung ứng khiến các nhà sản xuất như Toyota Motor phải cắt giảm sản xuất trong khi hãng bán lẻ thời trang Abercrombie & Fitch cảnh báo tình hình đang “vượt kiểm soát”. Ở Singapore và Philippines, các doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều trở ngại trong lập kế hoạch sản xuất và kinh doanh dài hạn do các biện pháp hạn chế.

Giới chức các nước Đông Nam Á ngày càng lo ngại rằng, nếu kéo dài các biện pháp hạn chế quá lâu, nền kinh tế sẽ còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn nữa. Malaysia đã hạ một nửa dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 xuống còn 3-4% khi số ca Covid-19 tăng mạnh, trong khi hy vọng phục hồi kinh tế nhờ du lịch của Thái Lan cũng nhanh chóng phai nhạt.

Theo các chuyên gia, kể cả những nước có triển vọng kinh tế lạc quan hơn như Singapore, Việt Nam, thì áp lực giải quyết tình trạng gián đoạn nguồn cung và tránh làm ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài cũng ngày càng tăng.
Ông Wellian Wiranto, chuyên gia kinh tế tại Oversea-Chinese Banking Corp, nói rằng các nền kinh tế Đông Nam Á đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các đợt phong tỏa và tâm lý mệt mỏi của người dân.

Thay đổi chiến lược

Singapore đã tiêm chủng cho phần lớn dân số và đang hướng đến việc sống chung với Covid-19 (Ảnh: Reuters).

Trước những thách thức này, các nước Đông Nam Á bắt đầu điều chỉnh chiến lược, tìm cách “chung sống với Covid-19”.

Tại Indonesia, giới chức nước này đang tập trung củng cố các quy định như đeo khẩu trang thay vì áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại. Họ cũng đưa ra “bản đồ đi lại” ở những khu vực nhất định như văn phòng, trường học để vạch ra các quy định dài hạn trong một trạng thái bình thường mới.

Tại Singapore và Malaysia, giới chức chuyển hướng quan tâm đến số ca nhập viện và tử vong vì Covid-19 hơn là số ca nhiễm hàng ngày sau khi đẩy nhanh tiêm chủng. Hiện Singapore đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 80% dân số, tỷ lệ này ở Malaysia là hơn 50%.

Tại Philippines, giới chức nước này đang xem xét áp dụng biện pháp kiểm soát đi lại tại từng khu vực cụ thể tùy vào tình hình Covid-19. Ví dụ, người dân ở các điểm nóng bùng phát có thể bị hạn chế ra khỏi nhà.

Ở Jakarta (Indonesia), chỉ những người có giấy chứng nhận tiêm chủng mới được vào các siêu thị, nhà thờ. Ở Singapore, các nhà hàng đều phải kiểm tra tình trạng tiêm chủng của thực khách. Ở Manila (Philippines), chính quyền đang xem xét áp dụng “bong bóng vắc xin”, cho phép những người đã tiêm chủng đầy đủ đến các địa điểm công cộng hay sử dụng phương tiện công cộng.

 Minh PhươngTheo Bloomberg

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here