Không lâu sau khi chính trị gia Alex Agius Saliba được cử đến Brussels, người đàn ông này ngay lập tức phát huy sức ảnh hưởng của mình bằng cách yêu cầu Apple – công ty giá trị nhất hành tinh thiết kế lại sản phẩm.
Năm ngoái, EU đã thông qua luật yêu cầu các thiết bị điện tử cầm tay mới phải được trang bị cổng USB-C vào năm 2023. Hầu hết điện thoại, máy tính xách tay và các thiết bị phổ biến khi ấy đều sử dụng loại cổng sạc giúp bạn dễ dàng tiếp năng lượng, ngoại trừ iPhone. Hãng này chọn Lightning làm cổng độc quyền – thứ cơ quan quản lý châu Âu về cơ bản muốn chính thức bãi bỏ vì cho rằng bộ sạc thông thường mới là ‘chân ái’ giúp cuộc sống người dân được đơn giản hóa.
Agius Saliba, đứng trước Nghị viện châu Âu vào năm ngoái, đã lấy ra mớ dây cáp rối như ‘mì spaghetti’. Tay còn lại, ông cầm thật chắc một bộ sạc USB-C.
“Hôm nay, chúng tôi sẽ thay thế đống sạc rối như tơ này chỉ bằng… cái này”, Agius Saliba và giơ USB-C lên.
Đây chính là cú huých thúc đẩy Apple loại bỏ dần cổng kết nối riêng biệt sau hơn một thập kỷ – dự kiện diễn ra vào tuần tới – để có thể tiếp tục đưa iPhone sang thị trường châu Âu. “Nếu Apple muốn tiếp thị và bán các sản phẩm tại châu Âu, họ phải tuân thủ quy tắc của chúng tôi. Tôi sẽ không để Apple tự do làm những gì họ muốn!”, Agius Saliba nói.
Đây chắc chắn không phải là điều Apple mong cầu. Ngay cả khi USB-C trở thành tiêu chuẩn cho các dòng điện thoại Android và ngay cả khi Apple áp dụng loại cổng sạc này cho MacBook và iPad, cổng Lightning vẫn được cho là sẽ được trang bị trên iPhone và AirPods.
Phía cơ quan quản lý cho biết luật mới sẽ giúp tiết kiệm hàng tấn rác thải điện tử và 250 triệu USD mỗi năm. Trong khi đó, Apple khẳng định quy định này khó thúc đẩy sự đổi mới và gây bất tiện cho hơn một tỷ người dùng vốn đang dựa vào các loại cổng sạc sớm lỗi thời.
Thế nhưng, quy tắc là quy tắc và ngay cả một công ty trị giá hàng nghìn tỷ USD cũng không đủ khả năng để phá vỡ.
“Rõ ràng là chúng tôi sẽ phải tuân thủ. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác”, Greg Joswiak, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách tiếp thị toàn cầu Apple nói và cho biết EU muốn có một bộ sạc chung trước khi Lightning ra đời vào năm 2012.
Việc châu Âu ép buộc Apple là ví dụ mới nhất về “hiệu ứng Brussels” – cụm từ do Anu Bradford, giáo sư Trường Luật Columbia, đặt ra để mô tả cách các quy định của EU ảnh hưởng đến thị trường trên toàn cầu. Họ tin rằng mình có thể áp quyền lực lên Thung lũng Silicon ngay từ một đại dương xa xôi. 25% doanh thu Apple tạo ra đến từ châu Âu và vì vậy, cơ quan quản lý EU có khá nhiều tiếng nói trong việc áp quy chế mới.
Agius Saliba cho biết sứ mệnh của ông là “tạo ra sự khác biệt thiết thực trong cuộc sống của người dân Malta”. Ông cũng muốn luật này sẽ giúp ích cho mọi người dân trên khắp châu Âu, và có thể là cả phần còn lại của thế giới”.
Trước đó, nhiều tin đồn cho rằng nhà Táo khuyết có thể sẽ đưa một chip xác thực vào cổng USB-C trên iPhone. Con chip này nhằm đảm bảo dây cáp phải được chứng nhận MFi riêng để kết nối trao đổi dữ liệu hoặc bật tính năng sạc nhanh. Đây cũng chính là cách Apple kiếm lời từ việc bán chuẩn tương thích cho các hãng phụ kiện như với Lightning trước đây.
Đáp lại, ông Thierry Breton, Ủy viên phụ trách thị trường nội địa của Liên minh châu Âu cảnh báo những hành động kiểu như vậy sẽ không được phép. Điện thoại của hãng vẫn sẽ bị cấm nếu không chịu tuân thủ.
Theo: WSJ
Theo Vũ Anh
Nhịp sống thị trường