“Bão” Covid-19 trở lại tâm dịch châu Âu

0

Châu Âu một lần nữa trở thành tâm chấn của đại dịch Covid-19, bất chấp nỗ lực tiêm chủng vaccine của nhiều quốc gia trong khu vực.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine tại Riga, Latvia ngày 21/10 (Ảnh: AFP).

Mặc dù đã tiêm vaccine Covid-19 cho nhiều người dân, các quốc gia châu Âu, từ Đức đến Hy Lạp, đều ghi nhận số ca mắc Covid-19 kỷ lục trong những ngày gần đây, thậm chí Romania và Bulgaria đang chứng kiến tỷ lệ tử vong ở mức báo động trong khi các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải.

Tình hình dịch bệnh tại châu Âu đang đặt ra nhu cầu cấp thiết của việc đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, bao gồm việc tiêm đủ 2 liều cho những người chưa tiêm chủng, hoặc tiêm mũi tăng cường cho hàng trăm triệu người khác.

Trong khi chính phủ nhiều quốc gia châu Âu không muốn phong tỏa trở lại, một số nước khác như Latvia buộc phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế vì không có giải pháp thay thế.

Đức

Làn sóng Covid-19 thứ tư tại Đức đang gây ra những tác động nặng nề, số ca nhiễm tăng lên mức kỷ lục vào tuần trước và các bệnh viện ở một số điểm nóng trở nên quá tải.

Đức đang kêu gọi tất cả người trưởng thành tiêm mũi vaccine tăng cường sau khi liều thứ hai tiêm qua 6 tháng. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn nói rằng việc tiêm vaccine tăng cường phải là “quy định, chứ không phải là ngoại lệ”.

Với khoảng 16 triệu dân đủ điều kiện tiêm vaccine nhưng vẫn từ chối tiêm chủng, các nhà chức trách Đức không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường bảo vệ cho những người sẵn sàng tiêm chủng.

Anh

Theo một nghiên cứu quy mô lớn của Trường Imperial College London, số ca mắc Covid-19 ở Anh đã lập đỉnh mới vào tháng 10. Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết, nghiên cứu này đã phát đi một “thông điệp quan trọng” về việc người dân phải cảnh giác với dịch bệnh khi thời tiết bước vào mùa đông.

Tháng trước, Anh đã khởi động chiến dịch tiêm vaccine ngừa cúm lớn nhất từ trước đến nay để ngăn chặn nguy cơ số ca Covid-19 tăng đột biến trùng với thời điểm đợt cúm đang bùng phát trở lại. Các trung tâm tiêm chủng của Anh cũng bắt đầu cung cấp dịch vụ tiêm mũi vaccine tăng cường cho những người có nguy cơ lây nhiễm mà không cần hẹn trước. Anh cũng trở thành nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt thuốc kháng virus Covid-19 của hãng dược Merck & Co.

Italy

Người biểu tình phản đối vaccine tại Padua, Italy hồi tháng 10 (Ảnh: Getty).

Tại Italy, một số khu vực phía bắc, bao gồm Veneto và Friuli Venezia Giulia, đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng các ca mắc Covid-19, một phần liên quan đến các cuộc biểu tình của các nhà hoạt động phản đối chính sách “giấy thông hành” vaccine. Làn sóng dịch bệnh gia tăng khiến các nhà chức trách phải thúc đẩy người dân đi tiêm chủng.

“Chúng tôi đang làm việc để mở rộng việc tiêm liều vaccine tăng cường cho các nhóm tuổi mới bắt đầu từ tuần tới. Chúng tôi vẫn phải hoàn tất việc tiêm đủ các liều vaccine đầu tiên và đẩy mạnh việc tiêm liều thứ ba”, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza cho biết hôm 5/11.

Pháp

Tại Pháp, nơi các biện pháp hạn chế của chính phủ từng giúp nước này duy trì số ca nhiễm ở mức tương đối thấp, các ca mắc Covid-19 lại bắt đầu tăng trở lại. Các chính quyền địa phương sẽ áp đặt lại quy định đeo khẩu trang trong trường học.

Quốc hội Pháp ngày 5/11 đã thông qua dự luật nhằm kéo dài quy định về hộ chiếu vaccine, trong đó yêu cầu người dân phải có giấy chứng nhận tiêm chủng khi đến các nhà hàng, rạp chiếu phim hoặc các địa điểm công cộng khác, cho đến cuối tháng 7/2022. Các nhà chức trách cũng đang khuyến khích người lớn tuổi tiêm mũi vaccine tăng cường.

Ireland

Số ca mắc Covid-19 hàng ngày tại Ireland đang ở mức cao nhất kể từ tháng 1. Nước này đã hoãn kế hoạch dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch vào tháng trước.

Đan Mạch

Tại Đan Mạch, nơi hơn 75% dân số được tiêm chủng đầy đủ, số ca mắc Covid-19 hàng ngày đã tăng gấp đôi trong 10 ngày qua và số ca nhập viện tăng đột biến. Soren Brostrom, người đứng đầu cơ quan y tế của đất nước, hôm 4/11 đã hối thúc chính phủ áp dụng lại một số biện pháp hạn chế, bao gồm việc sử dụng hộ chiếu Covid-19 tại các sự kiện công cộng.

Hy Lạp

Khách hàng đeo khẩu trang khi ăn tại nhà hàng ở Hy Lạp (Ảnh: AFP).

Tại Hy Lạp, số ca mắc Covid-19 hàng ngày đã 5 lần phá kỷ lục trong 6 ngày qua, buộc các nhà chức trách phải triển khai hàng loạt biện pháp hạn chế chống dịch mới. Những người chưa được tiêm chủng cần phải xuất trình giấy xác nhận xét nghiệm âm tính khi đến một số cửa hàng, cơ sở làm đẹp và quán ăn.

Hungary

Chiến dịch tiêm vaccine chậm chạp của Hungary và việc thiếu các biện pháp phòng chống Covid-19 khiến nước này ghi nhận một trong những tỷ lệ lây nhiễm hàng đầu thế giới.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đang tìm cách thắt chặt một số biện pháp hạn chế, bao gồm việc tái áp dụng quy định đeo khẩu trang các phương tiện giao thông công cộng. Các doanh nghiệp được phép yêu cầu người lao động phải có giấy chứng nhận đã tiêm vaccine và những người từ chối xuất trình giấy này có thể cho nghỉ việc không lương.

Séc

Cộng hòa Séc đã ghi nhận tuần lây nhiễm dịch bệnh tồi tệ nhất kể từ tháng 3, khi nước này phải đối mặt với một trong những đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nhất. Số ca nhập viện vì Covid-19 đang ở mức cao nhất trong 6 tháng và số ca tử vong cũng đang tăng lên.

Chính phủ Séc đang thắt chặt các quy định để những người chưa tiêm vaccine khó có thể đến các nhà hàng cũng như tham dự các sự kiện thể thao và văn hóa. Tuy nhiên, chính phủ từ chối áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội khắc nghiệt hơn hoặc đóng cửa một phần nền kinh tế.

Vùng Baltic

Khu vực Baltic đang ghi nhận một số tỷ lệ lây nhiễm trên đầu người cao nhất thế giới. Estonia đang cân nhắc thêm các biện pháp hạn chế nếu tình hình xấu đi.

Tháng trước, Latvia đã trở thành quốc gia thành viên đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lại lệnh phong tỏa kéo dài 4 tuần, sau khi số ca nhiễm tăng vọt gây sức ép lên các bệnh viện. Quốc hội Latvia đã thông qua luật hôm 4/11, cho phép doanh nghiệp sa thải những người lao động chưa tiêm phòng.

Lithuania đang kéo dài thời gian nghỉ học để làm chậm sự lây lan của virus ở trẻ em.

Vùng Balkan

Romania đã ghi nhận tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới trong tuần qua. Việc thiếu giường bệnh khiến bệnh nhân bị mắc kẹt trong xe cấp cứu hoặc phải điều trị tại hành lang bệnh viện. Một số bệnh nhân phải thở ôxy trong ô tô của họ.

Bulgaria, quốc gia thành viên có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất EU, đã trải qua tuần chết chóc nhất vì đại dịch, với hơn 1.000 ca tử vong. Các nhà chức trách đang thắt chặt các biện pháp hạn chế chống dịch.

Khu vực phía tây Balkan đã chứng kiến tỷ lệ lây nhiễm gần cao kỷ lục trong những ngày gần đây. Serbia đã trải qua tháng chết chóc nhất vì đại dịch vào tháng 10. Tiếp đó là Montenegro, Bosnia-Herzegovina và Kosovo.

Croatia ngày 5/11 đã thắt chặt các biện pháp hạn chế sau khi ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục. Các sự kiện công cộng sẽ bị giới hạn ở mức 50 người, ngoại trừ trường hợp mọi người tham dự đều có giấy xác nhận tiêm chủng.

Thành ĐạtTổng hợp

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here