Các chuyên gia hiến kế giúp Đông Nam Á đối phó “quái vật” Delta

0

Cùng với đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin, các nước Đông Nam Á phải nhanh chóng tăng cường các “vũ khí” khác để ngăn chặn làn sóng Covid-19 nghiêm trọng chưa từng có một phần do biến chủng Delta.

Indonesia hiện là tâm dịch ở châu Á (Ảnh: AFP).

Đông Nam Á trở thành điểm nóng

Sự xuất hiện của biến chủng Delta đã gây sức ép chưa từng có lên hệ thống y tế khắp Đông Nam Á – vùng dịch nóng nhất hiện nay trên thế giới. Hầu hết các nước trong khu vực này đang phải trải qua một đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng chưa từng có.

Tuần qua, số ca nhiễm mới trong ngày ở Indonesia thậm chí đã vượt Brazil, Ấn Độ. Đến nay, Indonesia ghi nhận gần 2,9 triệu ca mắc, trong đó, hơn 73.500 người đã tử vong vì Covid-19. Tại đây, các nhóm tình nguyện phải đến từng nhà để thu gom thi thể của những người bệnh không thể nhập viện điều trị vì các bệnh viện quá tải.

Giới chuyên gia y tế cho rằng, số ca mắc và tử vong vì Covid-19 thực tế ở Indonesia cao hơn nhiều so với thống kế. “Hiện giờ Indonesia đã là tâm dịch của châu Á, nhưng nếu chúng ta có thể xét nghiệm nhiều hơn, thì có thể Indonesia đã là tâm dịch của thế giới”, bác sĩ Dicky Budiman, chuyên gia dịch tễ tại Đại học Griffith (Australia), nhận định.

Chuyên gia này nói thêm: “Chúng ta bỏ sót nhiều ca bệnh, chúng ta có thể đã không phát hiện được 80% ca bệnh trong cộng đồng. Ở Indonesia, việc xét nghiệm rất thụ động, chỉ xét nghiệm khi một người đến cơ sở y tế và có các dấu hiệu của bệnh hoặc có các yếu tố dịch tễ”.

Theo số liệu của Our World in Data, Indonesia là một trong những quốc gia có hệ thống xét nghiệm hạn chế nhất, chưa đầy 56 xét nghiệm trên 1.000 người. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với Ấn Độ là hơn 318 xét nghiệm/1000 người.

Tại Malaysia, Thái Lan, Myanmar, các bệnh viện cũng đều rơi vào tình trạng quá tải. Ở Malaysia, số ca tử vong vì Covid-19 đã tăng gấp 3 lần lên xấp xỉ 6.900 ca chỉ từ đầu tháng 5 đến nay. Các thùng container được tận dụng làm nhà xác tạm cho các bệnh viện ở Malaysia khi số ca tử vong tăng nhanh. Thái Lan cũng xây dựng bệnh viện dã chiến ở hai sân bay.

Myanmar trong lúc đó phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kép với bất ổn sau binh biến và dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Bộ Y tế Myanmar cho biết, trong ngày 18/7, nước này ghi nhận 231 ca tử vong do Covid-19. Số ca tử vong do đại dịch ở Myanmar đã tăng hơn 40% trong tháng này lên gần 4.800 ca. Tuy nhiên, các tổ chức phúc lợi xã hội lo ngại rằng, tình hình thực tế có thể tồi tệ hơn nhiều so với con số thống kê. Tại đây, nhiều người có triệu chứng Covid-19 lựa chọn tự cách ly tại nhà, trong khi nhiều người bị bệnh viện từ chối vì đã quá tải. Chỉ riêng thứ Năm tuần trước, các nghĩa trang ở Myanmar đã chôn cất hơn 700 người.

Lối thoát nào cho Đông Nam Á?

Các nước Đông Nam Á tìm cách đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 (Ảnh: Straits Times).

Nhiều nước kỳ vọng chiến dịch tiêm chủng đại trà sẽ giúp hạn chế đà lây lan hoặc giảm nhẹ những nguy cơ do biến chủng Delta gây ra, nhưng hiện nay tỷ lệ tiêm chủng ở Đông Nam Á vẫn tương đối thấp. Malaysia đã tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 14% dân số, tỷ lệ này ở Indonesia là 6%, Thái Lan và Philippines khoảng 5%, Myanmar 4%.

Tốc độ chương trình tiêm chủng ở khu vực càng bị chậm trễ hơn do kế hoạch phân phối vắc xin ở Đông Nam Á của AstraZeneca phụ thuộc vào 200 triệu liều do Siam Bioscience, công ty của Quốc vương Thái Lan, sản xuất. Thái Lan được cho là đang cân nhắc hạn chế xuất khẩu vắc xin, ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước.

Vắc xin cùng với các biện pháp hạn chế được tin là những giải pháp có thể giúp các nước trong khu vực ngăn chặn làn sóng Covid-19 chết chóc và nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, vắc xin không phải là “viên đạn bạc” để chế ngự sự lây lan của biến chủng mới. “Không có vắc xin nào hoàn hảo, nếu lượng virus đủ cao, nó né miễn dịch mà vắc xin đã tạo ra dù vắc xin vẫn giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh ở hầu hết trường hợp”, Angela Rasmussen, nhà virus học tại Trung tâm An ninh và Khoa học Y tế của Đại học Georgetown, nhận định. Chuyên gia Rasmussen nhấn mạnh: “Tất cả những điều này cho thấy, chúng ta có thể kiểm soát Delta bằng các biện pháp can thiệp sẵn có”.

Bác sĩ Khor Swee Kheng, chuyên gia độc lập về chính sách y tế, cho rằng các chính phủ trong khu vực cần gấp rút tăng cường năng lực của hệ thống y tế, đặc biệt ở những nơi bệnh viện căng tải nhất. Với trường hợp ở Malaysia, ông cho rằng, chính phủ cần có một cơ chế phúc lợi rộng rãi và toàn diện để hỗ trợ vật chất, tinh thần cho toàn bộ người dân, giúp họ có thể “ai ở đâu, ở yên đó” trong giai đoạn dịch bùng phát.

Chuyên gia dịch tễ Dicky Budiman cũng cho rằng, Indonesia và các nước trong khu vực không chỉ dựa vào chiến dịch tiêm chủng vắc xin, mà còn cần tập trung tăng cường hệ thống giám sát dịch bệnh. “Chúng ta phải có phản ứng dựa vào việc phát hiện sớm, xét nghiệm và truy vết”, ông Dicky nói.

Ngoài ra, ông cho rằng, các nước Đông Nam Á cần hợp tác để đối phó làn sóng Covid-19 bởi có sự di chuyển qua lại giữa người dân trong khu vực. “Đó là lý do tại sao chúng ta cần phối hợp xét nghiệm, truy vết cùng nhau, nếu không chúng ta không thể kiểm soát được đại dịch ở khu vực”.

 Minh Phương
Theo Guardian, Aljazeera

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here