Con kết giao với bạn ham chơi, học kém, là phụ huynh nên xử trí ra sao? Bậc thầy EQ cao hành xử khôn ngoan, quyết định đường đời, năng lực phát triển của con

0

“Con trai tôi rất thích chơi với một bạn nam trong lớp, bạn ấy không thích học, cẩu thả, thành tích thường xếp cuối lớp. Nếu cứ tiếp tục như vậy, liệu việc học của con tôi có bị ảnh hưởng không?”

Nhiều bà mẹ nghe xong đồng thanh nói: “Đúng rồi, việc học là quan trọng nhất, đừng để bị ảnh hưởng”.

Có lẽ có không ít bậc cha mẹ đều từng như vậy, họ coi những đứa trẻ học kém là tai họa và tránh xa chúng.

Nhưng, có những đứa trẻ, tuy điểm số không lý tưởng nhưng cũng có rất nhiều ưu điểm, trẻ rất vui vẻ và có thể học hỏi được nhiều điều khi ở bên cạnh những người bạn như vậy.

Là cha mẹ, chúng ta nên nhìn nhận một cách đúng đắn về tình bạn của con cái.

Đừng đánh giá ai đó chỉ bằng điểm số, cũng đừng áp đặt con phải chơi với bạn này, bạn kia.

Từng có người đặt ra một câu hỏi như này: Tôi nên làm gì nếu thấy con tôi thích chơi với những đứa trẻ có điểm thấp hơn mình?

Người viết cho biết, con anh năm nay học lớp 6, học lực rất tốt nhưng anh thấy con luôn thích chơi với các bạn học kém hơn mình, anh lo con sẽ bị bạn ảnh hưởng xấu, và cảm thấy có chút lo lắng.

Trước câu hỏi này, nhiều phụ huynh bày tỏ sự hoang mang giống nhau, có người cho rằng cha mẹ không nên can thiệp quá nhiều vào tình bạn của con cái.

Trong đó, có một giáo viên bình luận rằng:

“Trong hơn 30 năm sự nghiệp giáo dục của mình, tôi đã chứng kiến nhiều đứa trẻ học giỏi nhưng nhút nhát trong giao tiếp với thế giới, trong khi một số trẻ học kém, ngoại trừ điểm số ra, chúng lại giỏi về mọi mặt”.

Cô cho rằng những đứa trẻ học không tốt có thể không nghiêm túc trong việc nghe giảng, hoặc chúng có thể cẩu thả và ham chơi.

Nhưng không điều nào trong số đó ảnh hưởng đến tam quan đúng đắn, sự tử tế, tư duy linh hoạt hay sự đồng cảm ở trẻ.

Một năm nọ, vào ngày Nhà giáo, các học sinh muốn tặng cô một món quà nhỏ nhưng không biết mua gì, lớp trưởng đến hỏi cô: “Cô ơi, cô thích món quà gì ạ?”

Cô nói: “Cô không thích gì cả nên các con đừng mua gì nhé”.

Một cậu nhóc mũm mĩm xoa xoa đầu rồi nói: “À, con hiểu rồi. Con gái nói không thì tức là có”.

Cô giáo nói: “Con hài hước như vậy, chắc phải có nhiều bạn nữ thích lắm, nhưng sao cô vẫn chưa thấy ai nhỉ?”

Cậu học trò đáp: “Tại các bạn ấy bị cận đó cô”.

Nhiều năm trôi qua, mỗi khi tới ngày Nhà Giáo, cô giáo lại nhớ tới cuộc hội thoại với cậu học trò đáng yêu, mỗi lần nghĩ tới, cô lại bất giác mỉm cười.

Nếu bên cạnh con có một người bạn tuy học tập không giỏi, nhưng lạc quan vui vẻ, đáng yêu hài hước, người có thể khiến các con nhận ra rằng “có rất nhiều cách để vui vẻ”, “cảm giác tự hào không chỉ tới từ điểm số”, rằng “việc tôi được yêu mến, nó không liên quan gì tới thành tích”… vậy thì đó cũng là một điều vô cùng quý giá với trẻ.

Là phụ huynh, đừng đánh đồng điểm số với tính cách, càng đừng coi điểm số là thước đo duy nhất để trẻ kết bạn.

Tác gia Jia Pingwa trong cuốn sách của mình có tên “Trò chơi nhân gian” (tạm dịch) có viết:

“Bạn ở bên người ra sao, bạn sẽ có cuộc sống như vậy.

Ở với những người luôn không ngừng phấn đấu, bạn sẽ không lười biếng.

Ở cùng những người tích cực, bạn sẽ không bị lún vào những cảm xúc tiêu cực.

Còn nếu bạn đi với những người khôn ngoan, bạn cũng sẽ không tầm thường”.

Khi kết bạn với người khác, những gì trẻ em thực sự nên kết bạn là tính cách, đạo đức, sự chính trực và tử tế, suy nghĩ tích cực và sự cầu tiến.

Trong chương trình tạp kỹ nước ngoài có tên “Super speaker” có một chủ đề như này: Cha mẹ không cho con chơi với bạn bị điểm kém, con phải làm sao?

Một em bé đã đưa ra câu trả lời của mình rằng:

“Kết bạn chủ yếu là vì chúng ta có cùng giá trị, đạo đức và tính cách của bạn bè quan trọng hơn.

Cha mẹ không cho con chơi với những người bị điểm kém, điều này sẽ gieo vào lòng chúng ta mầm mống của sự kỳ thị, khi lớn lên, em có thể sẽ dùng sự kỳ thị này để đối xử với người khác.

Như vậy là không tốt”.

Các bạn khác cũng bày tỏ quan điểm:

“Điểm kém không có nghĩa là mọi thứ đều tồi tệ. Điều bạn bè cần nhất chính là sợi dây liên kết của trái tim”.

“Chỉ kết bạn với những người có thành tích tốt, bạn sẽ không bao giờ kết được bạn”.

“Trong ba người, nhất định sẽ có một người là thầy của mình, mỗi người đều có điểm sáng đáng để chúng ta học tập”.

Tâm hồn trẻ thơ vốn đơn giản, trong sáng, tuy còn nhỏ nhưng chúng cũng đã có những tiêu chí chọn bạn rõ ràng.

Điều chúng coi trọng nhất không phải là điểm số, mà là điểm mạnh và sự kết nối tinh thần với nhau.

Đúng là tất cả cha mẹ trên đời đều mong con cái tránh xa những thứ xấu.

Kết quả là, họ giữ con mình tránh xa những người mà họ coi là “những đứa trẻ hư”.

Họ nghĩ rằng họ yêu con cái, nhưng lại bỏ qua điểm quan trọng nhất trong giáo dục:

Trẻ sẽ học được cách nhìn nhận sự việc từ chính cha mẹ.

Trẻ sẽ phát triển chủ nghĩa vị lợi, đối xử với người khác theo kiểu thứ bậc, không biết chấp nhận và bao dung, khi lớn lên cũng trở nên thờ ơ, ích kỷ.

Có người cho rằng: Trong quá trình cô lập “những đứa trẻ hư”, tâm hồn của những đứa trẻ ngoan cũng sẽ bị ô nhiễm bởi thái độ thờ ơ, ích kỷ, kỳ thị.

Việc can thiệp vào tình bạn của trẻ bằng những chuẩn mực của thế giới người lớn khiến trẻ sớm đánh mất đi trái tim giản dị và tình bạn trong sáng ở lứa tuổi lẽ ra cần sự đơn thuần.

Cách tiếp cận như vậy, trông thì có vẻ là tình yêu, nhưng thực ra lại rất có hại.

Nhiều bậc cha mẹ lo lắng rằng những người bạn xấu của con sẽ dẫn đến những thói quen xấu và họ hy vọng sẽ thiết lập một “môi trường tình bạn trong sạch và vô trùng” cho con mình:

Bạn thích chơi game, lo lắng con mình sẽ nghiện game, tránh xa.

Bạn hay lêu lổng, lo lắng sẽ ảnh hưởng đến việc học của con, tránh xa.

Bạn nghịch ngợm, lo lắng rằng con mình sẽ bướng theo, tránh xa.

Cứ như vậy, con trông thì có vẻ như chơi với toàn bạn tốt, nhưng điều này có thực sự tốt cho con?

Chúng ta nên làm gì trước việc “chọn bạn để chơi” của con cái?

Chuyên gia về cha mẹ và con cái người Trung Quốc, Li Changan từng chia sẻ về điều này.

Khi con trai anh học trung học, cậu bé quen biết với một người bạn thích khiêu vũ, và bắt đầu thích môn thể thao này.

Vợ chồng anh thì lại luôn cho rằng học hành chăm chỉ mới là con đường đúng đắn và họ vô cùng không hài lòng về lựa chọn của con trai mình.

Nhưng cuối cùng, họ vẫn chọn cách tôn trọng con cái và bạn bè của con.

Họ mời những người bạn của con trai đến nhà chơi, con trai và các bạn cùng nhau khiêu vũ, họ ngồi dưới reo hò cổ vũ.

Nhiều năm sau, người con trai trưởng thành đã đặc biệt viết một bức thư cho cha mẹ mình:

“Cuộc sống lúc đó đã xa rồi nhưng con vẫn nhớ như in khoảnh khắc xúc động khi nhìn thấy cha mẹ ngồi ở phía dưới hết mình cổ vũ cho con”.

Người con trai thích khiêu vũ không chỉ giỏi giang trong học tập mà còn rất lễ phép, biết ơn và kính trọng cha mẹ.

Tôn trọng – một từ rất đơn giản nhưng lại có sức mạnh kỳ diệu, nó có thể khơi dậy động lực mạnh mẽ ở trẻ để trẻ bước đi vui vẻ và vững vàng.

Tất nhiên, tôn trọng không có nghĩa là buông xuôi hoàn toàn, cha mẹ nào cũng có trách nhiệm đồng hành cùng con cái trưởng thành.

Chúng ta phải dạy cho trẻ biết chọn bạn bè dựa trên tính cách và phẩm chất đạo đức, tránh xa “tình bạn độc hại”.

Erin Leonard, tiến sĩ tâm lý học người Mỹ, từng tóm tắt 7 đặc điểm của “tình bạn độc hại” trong bài viết “Con bạn có đang ở trong một tình bạn độc hại không?”:

Đứa trẻ thường không vui hoặc thậm chí khóc.

Sự tự tin thấp.

Bị bạn bè chê cười, coi thường, khinh miệt.

Vì muốn làm hài lòng bạn mà mù quáng lấy lòng.

Các suy nghĩ luôn không nhận được sự tôn trọng.

Không hề tiến bộ.

Những suy nghĩ tiêu cực về bản thân nảy sinh.

Quan tâm tới việc con chơi với ai, tôn trọng và không quên sàng lọc, ủng hộ con nhưng cũng không quên khuyên nhủ, đây là điều cha mẹ tốt nên làm.

Nhà nho Tăng Quốc Phiên từng nói: “Lựa chọn bạn bè là điều quan trọng nhất trong cuộc sống, thành công hay thất bại của cuộc sống đều liên quan đến chất lượng của bạn bè, vì vậy đừng cẩu thả trong vấn đề này.”

Một người bạn tốt là ngọn đèn dẫn đường cho con đường phía trước, thắp sáng phương hướng và sưởi ấm trái tim.

Việc kết bạn của con trẻ không thể tách rời khỏi sự quan tâm cẩn thận và hướng dẫn đúng đắn của cha mẹ.

Chúng ta cần giúp trẻ kết “bạn tốt” và tránh xa “bạn xấu”.

Một người bạn tốt hay xấu không nằm ở điểm số mà ở tính cách, đạo đức.

Trách nhiệm của mỗi bậc cha mẹ chúng ta là phải là người định hướng tốt con đường kết bạn của trẻ, để trẻ có được niềm vui, hấp thụ năng lượng và trưởng thành từ bạn bè xung quanh mình.

Theo Như Nguyễn
Thể thao văn hóa

Nguồn: https://cafef.vn/con-ket-giao-voi-ban-ham-choi-hoc-kem-la-phu-huynh-nen-xu-tri-ra-sao-bac-thay-eq-cao-hanh-xu-khon-ngoan-quyet-dinh-duong-doi-nang-luc-phat-trien-cua-con-20221230162350771.chn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here