Cựu đại sứ Mỹ tiết lộ câu chuyện ‘sau cánh gà’ cuộc gặp Trump-Phúc

0

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng ở Washington hôm 31/5/2017.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Ted Osius mô tả cuộc gặp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng vào giữa năm 2017 là “kỳ quặc” và lần đầu tiên tiết lột những gì ông chứng kiến “sau cánh gà” của sự kiện mà ông nói là nằm ngoài sự chuẩn bị của ông trong 30 năm làm ngoại giao.

Ông Phúc, lúc đó là thủ tướng Việt Nam, trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Đông Nam Á tới thăm Nhà Trắng vài tháng sau khi ông Trump nhậm chức tổng thống Mỹ. Ông Osius, đại sứ Mỹ lúc đó, đã tháp tùng ông Phúc trong chuyến thăm tới Toà Bạch Ốc tại Washington DC ngày 31/5/2017.

Trong một trích đoạn của cuốn sách sắp ra mắt có tên “Nothing is Impossible: America’s Reconciliation with Vietnam” (Không gì là bất khả thi: Quá trình hoà giải của Mỹ với Việt Nam), ông Osius, có nhiệm kỳ đại sứ ở Hà Nội từ 2014-2017, mô tả quang cảnh khá “hỗn loạn” bên trong phòng Bầu Dục tại buổi tiếp đón ông Phúc.

Khi tới nơi ĐS Osius được Tướng HR McMaster, lúc đó là cố vấn an ninh quốc gia, giới thiệu với Tổng thống Trump. Ông Trump, với mái tóc màu cam theo mô tả của ĐS Osius, đưa ra lời khen về công việc đại sứ của ông ở Hà Nội trước khi hỏi rằng: “Vậy, hôm nay chúng ta gặp ai đây?”

“Thủ tướng Việt Nam,” Tướng McMaster trả lời, theo trích đoạn của cuốn sách sắp được Rutgers University Press ra mắt trong tháng này.

“Ông ấy tên là gì?,” ông Trump hỏi.

“Nguyễn Xuân Phúc,” một quan chức cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia nói. “Theo vần ‘book’.”

“Ý ông nói như là Fook You?,” ông Trump hỏi lại.

Trong đoạn trích cuốn sách được Salon đăng tải, ĐS Osius ghi lại đoạn hội thoại giữa Tổng thống Trump với quan chức này, trong đó ông Trump nói rằng ông từng biết một người “tên Fook You.”

“Thật đấy,” ông Trump nói. “Tôi cho ông ấy thuê (làm) một nhà hàng. Khi ông ấy nhấc điện thoại lên, ông ấy trả lời ‘Fook You.’ Việc kinh doanh của ông ấy trở nên tệ hại. Mọi người không thích nó. Ông ấy mất nhà hàng.”

Một văn bản bài phát biểu tổng kết chuyến thăm của ông Trump tới Việt Nam hồi tháng 11 trong năm đó được Nhà Trắng công bố cũng đã viết tên ông Phúc thành “Fook”, được cho là nhằm mục đích để giúp tổng thống phát âm tên của thủ tướng Việt Nam. Tên của ông Phúc từng là chủ đề bàn tán trên mạng xã hội vì, trong tiếng Anh, có thể bị đọc nhầm thành một từ có nghĩa thô tục.

Tại thời điểm chuyến thăm của ông Phúc, Việt Nam đang có thặng dư thương mại với Mỹ ở mức 32 tỷ USD. Tại Washington trước khi gặp Tổng thống Trump, ông Phúc đã gặp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ lúc đó Robert Lighthizer và cho biết rằng Việt Nam mong muốn tăng cường thương mại và đầu tư với Mỹ cũng như chứng kiến việc ký kết các thoả thuận được xem là lớn nhất giữa hai nước lúc đó.

Sau khi biết rằng Việt Nam có thặng dư thương mại lớn với Mỹ và thâm hụt thương mại với Trung Quốc, Tổng thống Trump, theo ĐS Osius cho biết trong cuốn sách, nói rằng: “Người Trung Quốc luôn có được những thương vụ lớn. Ngoại trừ với tôi. Tôi đã có một thương vụ lớn ở Trung Quốc.”

Ông Trump sau đó chỉ thị cho ông Lighthizer “đưa thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam xuống số 0 trong vòng 4 năm.”

Với mức thâm hụt thương mại của Việt Nam với Mỹ tiếp tục gia tăng, ông Trump, vào tháng 6 năm 2019, cáo buộc Việt Nam “là kẻ lạm dụng tồi tệ nhất” hơn cả Trung Quốc trong quan hệ thương mại với Mỹ. Hai ngày sau đó, ông Phúc đã tiếp cận ông Trump bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản. Truyền thông Việt Nam lúc đó cho biết hai nhà lãnh đạo đã “trao đổi cởi mở và xây dựng” trong cuộc tiếp cận này.

Chính quyền của ông Trump sau đó đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ và khởi xướng cuộc điều tra về nguồn gốc gỗ nhập từ quốc gia Đông Nam Á. Các tranh chấp thương mại này đã được chính quyền Tổng thống Joe Biden và Hà Nội thoả thuận với việc không có hành động trừng phạt nào của Mỹ đối với Việt Nam.

(Theo VOA TV)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here