Lây nhiễm tăng cao ở Việt Nam khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy

0

Công nhân tại một nhà máy sản xuất đồ thể thao cho Nike ở TPHCM. Việc các nhà máy cung cấp cho các công ty đa quốc gia, trong đó có Nike, bị đóng cửa hoặc sản xuất dưới công suất đang gây gián đoạn chuổi cung ứng toàn cầu.

Làn sóng bùng phát dịch COVID-19 được cho là ngoài tầm kiểm soát ở Việt Nam do biến thể mới đã khiến quốc gia Đông Nam Á phải đóng cửa các nhà máy ở phía Nam, làm tê liệt một trong những trung tâm sản xuất quần áo và giày dép lớn nhất thế giới cũng như khiến các nhãn hàng toàn cầu phải tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế.

Theo Financial Times, việc đứt gãy chuỗi cung ứng này là một cú giáng mạnh vào Việt Nam, quốc gia từng kiểm soát hiệu quả việc lây nhiễm trong cộng đồng trong hầu hết năm ngoái. Việt Nam là một trong số ít các nền kinh tế của châu Á có tăng trưởng dương và vẫn thu hút được đầu tư nước ngoài trong năm 2020 bất chấp đại dịch.

Tuy nhiên, Việt Nam gần đây đã ghi nhận các ca lây nhiễm mỗi ngày có lúc lên đến 7.000 hoặc 8.000, và đạt kỷ lục mới với 9.690 ca nhiễm chỉ trong ngày 8/8. Gần như toàn bộ trong tổng số hơn 200.000 ca lây nhiễm trên cả nước được ghi nhận từ đầu tháng 7, trong đợt bùng phát tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.

TPHCM, thành phố lớn nhất và cũng là trung tâm tài chính của cả nước, đang là “tâm dịch” và được cho là có sự bùng phát ngoài tầm kiểm soát. Từ 9/7, thành phố này đã áp dụng các biện pháp dãn cách xã hội, bao gồm cả các quy định đối với việc vận chuyển và nơi ăn ở của công nhân làm việc tại các nhà máy và khu công nghiệp. Các doanh nghiệp, trong đó có nhiều hãng xưởng cung cấp cho các công ty toàn cầu của Mỹ, được yêu cầu áp dụng quy định “3 tại chỗ”, trong đó họ phải đảm bảo cho công nhân ăn và nghỉ ngay trên sàn của nhà máy nơi họ làm việc.

Hai nhà cung cấp giầy thể thao – công ty Pou Chen của Đài Loan, chuyên sản xuất giày Adidas và Nike, cùng với công ty Chang Shin của Hàn Quốc, cũng chuyên cung cấp cho công ty của Mỹ – đã phải ngưng hoạt động vào tháng trước.

Công ty Pou Chen ngừng hoạt động của nhà máy tại TPHCM, nơi sản xuất lớn nhất của họ tại Việt Nam, hôm 14/7, và nói rằng nhà máy sẽ tiếp tục đóng cửa cho tới ít nhất là 9/8. Theo Financial Times, các nhà máy khác của họ ở Việt Nam cũng bị buộc phải giảm quy mô sản xuất.

“Các yêu cầu của chính quyền địa phương đã ảnh hưởng đến khả năng di chuyển tới chỗ làm của các công nhân, và điều đó đã dẫn đến sự sụt giảm về năng lực sử dụng,” công ty Pou Chen được nhật báo tài chính có trụ sở ở London, Anh, trích dẫn cho biết.

Pou Chen đã xuất xưởng 244 triệu đôi giày vào năm ngoái, trong đó 44% được sản xuất ở Việt Nam, theo Financial Times. Nhật báo, hiện do Công ty Nikkei của Nhật Bản sở hữu, còn cho biết Adidas vào tuần trước đã cảnh báo rằng những hạn chế trong chuỗi cung ứng có thể khiến mức thua lỗ trong doanh số bán lẻ của hãng lên đến gần 588 triệu USD vào cuối năm nay.

Nike cũng đang có nguy cơ hết giày thể thao sản xuất ở Việt Nam do các nhà máy bị đóng cửa, gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, theo cảnh báo gần đây của S&P Global Market Intelligence. Các nhà máy hợp đồng của Nike ở Việt Nam sản xuất khoảng 50% tổng số sản phẩm mang nhãn hiệu của hãng giày hàng đầu của Mỹ.

Hiệp hội Dệt May Việt Nam hồi đầu tháng này cho biết có đến 35% các nhà máy dệt may trên cả nước phải đóng cửa giữa làn sóng bùng phát dịch mới nhất, theo Bộ Y tế. Chủ tịch hiệp hội, Vũ Đức Giang, được Bộ Y tế trích lời nói với TTXVN rằng tỷ lệ tiêm vaccine của ngành dệt may Việt Nam hiện “còn rất thấp” và hàng loạt nhà máy này thậm chí “sẽ phải đóng cửa lâu dài.”

Việt Nam bị cản trở bởi chương trình vaccine do chính phủ chậm chễ trong việc mua thuốc tiêm chủng. Chỉ có khoảng 1% trong số 98 triệu người đang sinh sống ở Việt Nam được tiêm chủng đầy đủ.

Không chỉ riêng trong ngành sản xuất giày dép và dệt may, đợt bùng phát COVID-19 mới nhất còn làm gián đoạn sản xuất ở các ngành nghề khác, bao gồm cả điện tử.

Samsung, một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất ở Việt Nam, cũng bị gián đoạn trong việc sản xuất điện thoại thông minh trong những tháng gần đây sau khi một nhà cung cấp quan trọng cho hãng này ngừng hoạt động, theo Financial Times. Nhật báo này cho biết, vấn đề đã được giải quyết nhưng các nhà máy sản xuất thiết bị của tập đoàn công nghệ này gần TPHCM đang hoạt động với khoảng một nửa công suất.

Euroasia Group, một công ty tư vấn, được Financial Times trích dẫn cho biết vào tuần trước rằng đang có những lo ngại rằng sự bùng phát dịch ở Việt Nam “có thể gây tổn hại đến việc sản xuất trước nhu cầu cao điểm vào dịp cuối năm và mùa lễ sắp tới.”

(Theo VOATV)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here