Người dân TPHCM có “thẻ xanh Covid” được quay lại sản xuất, kinh doanh

0

Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TPHCM cho phép người có “thẻ xanh Covid” được tham gia các hoạt động lao động sản xuất và sinh hoạt xã hội tùy theo mức độ kiểm soát dịch.

Ngày 20/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá các hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ.

Thành phố hình thành 5 bộ tiêu chí thành phần đối với các siêu thị, trung tâm thương mại, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ lương thực thực phẩm; chợ truyền thống; chợ đầu mối; các cơ sở sản xuất trên địa bàn; văn phòng làm việc của đơn vị sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ.

Người có “thẻ xanh Covid” được làm gì?

Theo Bộ tiêu chí đầu tiên, khách hàng, người lao động thường xuyên tiếp xúc khách ở các siêu thị, trung tâm thương mại, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ lương thực thực phẩm cần có “thẻ xanh Covid”. Các bộ phận còn lại đảm bảo có “thẻ xanh Covid” (giới hạn phạm vi hoạt động) để làm việc trở lại.

Ngoài ra, tài xế, nhân viên giao hàng của đơn vị cung ứng hàng hóa cũng cần có “thẻ xanh Covid”. Những người này cần có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 còn hiệu lực.

Người dân và tiểu thương tại huyện Cần Giờ đã ra chợ thông qua “thẻ xanh Covid” (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Đối với các chợ truyền thống, khách hàng, người tiếp xúc trực tiếp khách (nhân viên đơn vị quản lý chợ, thương nhân, người lao động, nhân viên giao hàng, phụ việc, tài xế…) cần có “thẻ xanh Covid”.

Nhân viên đơn vị quản lý khối văn phòng không tiếp xúc trực tiếp khách hàng cần có “thẻ xanh Covid (giới hạn phạm vi hoạt động)”.

Tương tự như trên, các bộ phận giao dịch trực tiếp với khách ra vào tại chợ đầu mối cần có “thẻ xanh Covid”. Người ra vào chợ cần điều kiện tối thiểu là “thẻ xanh Covid (hạn chế phạm vi hoạt động)”.

Tại các cơ sở sản xuất, người lao động tham gia sản xuất cần có “thẻ xanh Covid” hoặc “thẻ xanh Covid” (hạn chế phạm vi hoạt động). Toàn bộ nhân sự của cơ sở cần có xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 trước khi vào làm việc.

Đối với văn phòng làm việc của đơn vị sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ, bộ phận tiếp xúc trực tiếp với người ngoài tổ chức, cần có “thẻ xanh Covid”. Các bộ phận còn lại, nhân sự trở lại làm việc lần đầu cần có “thẻ xanh Covid” (giới hạn phạm vi hoạt động) và xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2.

Điều kiện cấp “thẻ xanh Covid” là gì?

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TPHCM, một người được xác định có “thẻ xanh Covid” khi hội đủ các yếu tố sau:

Xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh hoặc RT-PCR âm tính đối với những ngành nghề phải làm xét nghiệm theo quy định.

Tiêm vắc xin Covid-19 hoặc từng mắc Covid-19 và đã khỏi bệnh.

Không tiếp xúc gần với F0 trong vòng 14 ngày.

Vắc xin Covid-19 là điều kiện tiên quyết để được cấp “thẻ xanh Covid”.

Đối với yếu tố tiêm vắc xin Covid-19, người được cấp “thẻ xanh Covid” là người đã trải qua 14 ngày sau khi tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 đối với từng loại theo khuyến cáo của Bộ Y tế. “Thẻ xanh Covid” (giới hạn phạm vi hoạt động) sẽ được cấp cho người mới tiêm một mũi đối với các loại vắc xin Covid-19 yêu cầu tiêm 2 mũi.

Với người từng mắc Covid-19 và đã khỏi bệnh, cần giấy xuất viện hoặc xác nhận hoàn thành thời gian cách ly của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn.

Người có “thẻ xanh Covid” được tham gia các hoạt động lao động sản xuất và sinh hoạt xã hội tùy theo mức độ kiểm soát dịch của thành phố. Người có “thẻ xanh Covid” (giới hạn phạm vi hoạt động) được tham gia các hoạt động ở mức hạn chế hơn, tùy thuộc điều kiện môi trường làm việc, mức độ rủi ro lây nhiễm và mức độ quan trọng của hoạt động tham gia.

Quang Huy

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here