“Quái vật” Delta hoành hành, Nga trải qua tuần chết chóc chưa từng có

0

Số ca tử vong và ca nhiễm tại Nga vẫn tiếp tục tăng lên, sau một tuần ghi nhận kỷ lục số người chết vì Covid-19.

Thợ đào mộ chôn cất thi thể tại nghĩa trang ở ngoại ô St Petersburg, Nga (Ảnh: Reuters).

Nga ngày 4/7 có thêm hơn 25.142 ca mắc Covid-19 mới, sau một tuần ghi nhận số người chết kỷ lục trong bối cảnh biến thể Delta thúc đẩy sự bùng phát trở lại của đại dịch toàn cầu. Đây là ngày có số ca nhiễm cao nhất tại Nga kể từ hồi tháng 1.

Ngày 3/7, Nga ghi nhận thêm 697 trường hợp tử vong vì Covid-19, mức cao chưa từng có kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Đây cũng là ngày thứ 5 liên tiếp Nga ghi nhận con số kỷ lục này.

Ngày 4/7, số người chết vì Covid-19 tại Nga giảm xuống còn 663 trường hợp.

Tính đến nay, Nga ghi nhận hơn 137.000 người chết vì Covid-19, trong khi số ca nhiễm vượt 5,6 triệu người.

Hiện chỉ có 16% trong tổng số 146 triệu dân Nga được tiêm vắc xin. Nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm chủng ở Nga không cao được cho là do tâm lý hoài nghi về vắc xin của người dân, cũng như việc triển khai chậm chạp chương trình tiêm chủng.

Điện Kremlin trước đó đặt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 60% dân số Nga trước tháng 9, nhưng tuần trước thừa nhận không thể đạt mục tiêu này dù giới chức đã đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích người dân tiêm chủng.

Tổng thống Vladimir Putin vẫn đang kêu gọi người Nga đi tiêm chủng và “nghe các chuyên gia”, thay vì tin đồn. Ông Putin cho rằng đó là con đường duy nhất ngăn đại dịch lây lan ở Nga.

Moscow hiện vẫn là vùng dịch lớn nhất tại Nga. Biến thể Delta, chủng virus SARS-CoV-2 dễ lây lan nhất thế giới, được cho là nguyên nhân chính dẫn tới làn sóng bùng phát dịch nghiêm trọng tại Nga.

Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin cho biết chủng Delta, vốn gây ra làn sóng bùng dịch kinh hoàng ở Ấn Độ hồi tháng 4 và tháng 5, chiếm tới 90% tổng số ca nhiễm mới tại khu vực thủ đô Nga. Tuy nhiên, Moscow chưa tính đến phương án phong tỏa.

Châu Á “căng mình” chống dịch

Trong bối cảnh chủng Delta bùng phát, châu Á một lần nữa “căng mình” chống dịch. 168 triệu dân Bangladesh phải sống trong cảnh phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài một tuần. Cảnh sát và quân đội được triển khai để giám sát lệnh phong tỏa toàn quốc này.

Thành phố Khulna, giáp biên giới với Ấn Độ, trở thành điểm nóng Covid-19 của Bangladesh trong đợt bùng phát dịch mới do biến thể Delta. Các bệnh viện tại Bangladesh rơi vào tình trạng quá tải.

Indonesia đã áp lệnh phong tỏa một phần hôm 3/7, một ngày sau khi ghi nhận hơn 25.000 ca nhiễm và 539 trường hợp tử vong vì Covid-19. Cả 2 số liệu này đều là kỷ lục mới tại Indonesia – vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á.

Các nhà thờ Hồi giáo, nhà hàng và trung tâm mua sắm đã bị đóng cửa ở thủ đô Jakarta, đảo chính Java và Bali sau khi số ca nhiễm trong ngày tăng gấp 4 lần trong chưa đầy một tháng.

Bộ Y tế Indonesia cho biết, biến thể Delta chiếm hơn 80% trong số ca nhiễm mới ở một số khu vực tại nước này. Indonesia hiện ghi nhận hơn 60.000 ca tử vong và hơn 2,2 triệu ca mắc Covid-19.

Bộ Y tế Myanmar ngày 4/7 thông báo nước này ghi nhận thêm 2.318 ca mắc Covid-19 và 35 trường hợp tử vong. Đây là ngày có số ca nhiễm cao kỷ lục tại Myanmar.

Làn sóng Covid-19 mới đã bùng phát nhanh chóng ở Myanmar, nơi hệ thống y tế và các biện pháp chống dịch đã gặp nhiều khó khăn kể từ sau cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 2. Myanmar hiện ghi nhận hơn 3.400 ca tử vong và hơn 165.000 ca mắc Covid-19.

Thành Đạt-Theo Reuters, AFP

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here