Kinh tế Trung Quốc đối mặt nhiều nguy cơ

0

Người đi đường bước qua một cửa hàng Adidas ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Người tiêu dùng vẫn chi tiêu và tìm việc thận trọng, cùng với bối cảnh bùng phát biến thể Delta đang là nguy cơ cho kinh tế Trung Quốc.

Nhiều nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ khoảng 5,5% đến 6% trong nửa cuối năm, giảm so với mức 12,7% trong nửa đầu năm.

Trong cả năm 2021, tăng trưởng kinh tế của nước này dự kiến đạt khoảng 8%, cao hơn nhiều so với mục tiêu của chính phủ là ít nhất 6%. “Trung Quốc đã là trung tâm sản xuất của thế giới”, Giáo sư Liu Yipeng, Giám đốc Trung tâm Quản lý Trung Quốc và Kinh doanh Toàn cầu tại Trường Kinh doanh Henley (Anh) cho biết. Theo ông, cơ cấu kinh tế hiện tại sẽ tiếp tục.

Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro sắp tới cho đà phục hồi này. Trong đó, hai yếu tố cơ bản là niềm tin trên thị trường tiêu dùng, lao động; cùng các lo lắng về làn sóng dịch mới của biến thể Delta.

Dù doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng mạnh trong nửa đầu năm, niềm tin của người tiêu dùng vẫn chưa hoàn toàn hồi phục về mức trước đại dịch. Biến thể Delta rất dễ lây lan, đã quét qua tỉnh Quảng Đông vào giữa tháng 5 và đã lan sang 17 tỉnh và khu vực trên khắp đất nước, đang làm suy yếu đà phục hồi.

“Đại dịch đã gây ra một cú sốc đối với tâm lý các hộ gia đình thông thường của Trung Quốc. Có một sự thay đổi cơ bản trong hành vi chi tiêu, xuất phát từ việc một bộ phận người dân lo lắng hơn, bất chấp kinh tế phục hồi”, Nigel Chiang, Nhà kinh tế tại Centennial Asia Advisors đánh giá.

Theo vị chuyên gia, trước đại dịch, các hộ gia đình Trung Quốc đã có cảm giác bất an tương đối cao về tài chính cá nhân, do các yếu tố như chế độ lương hưu không đủ, khả năng chi trả cho nhà ở và dân số già. Nhưng giờ, nhiều dấu hiệu cho thấy sự thay đổi tâm lý xã hội ở Trung Quốc do Covid-19, giúp giải thích tại sao những người đô thị có thể muốn chi tiêu ít hơn và làm việc ít hơn.

Những cụm từ như “neijuan” (Involution) và “tangping” (lying flat) bắt đầu lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc trong những tháng gần đây. Chúng phản ánh xu hướng ngày càng tăng của thế hệ trẻ đối với tư tưởng phải nỗ lực không ngừng để theo đuổi sự giàu có.

“Neijuan” hàm ý sự quá tải trong cuộc sống, nơi con người bị mắc kẹt trong vòng lẩn quẩn của cố gắng nhưng không thành. Nó tượng trưng cho việc dù một người có nỗ lực thế nào trong công việc hoặc học tập, họ cũng không thể cải thiện cuộc sống của mình, khi đối mặt với chi phí sinh hoạt tăng cao và sự cạnh tranh gay gắt.

Trong khi đó, “tangping” nổi lên như một phong trào trực tuyến, phản đối chủ nghĩa tiêu dùng và nền văn hóa phải ganh đua nhau trong học tập và công việc ở Trung Quốc đã tạo ra vòng lẩn quẩn nói trên. Những người ủng hộ nó muốn bằng lòng với những kết quả tối thiểu, kiểu nằm yên mặc kệ sự đời.

Các nhà phân tích cho biết, những gì đang diễn ra cho thấy sự mất kết nối giữa một bên là quá trình phục hồi kinh tế mạnh mẽ – mặc dù đang có chút chậm lại – của Trung Quốc và một bên niềm tin suy yếu của người tiêu dùng. Điều này sẽ có nguy cơ làm trầm trọng thêm các vấn đề trong cấu trúc nội tại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và cuối cùng là đè nặng lên tăng trưởng.

Zhang Zhiwei, Nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho biết vấn đề chính của chi tiêu tiêu dùng chủ yếu là nó đang làm gia tăng bất bình đẳng thu nhập và chênh lệch giữa các khu vực. So với hai năm trước, tiêu dùng ở các tỉnh Hải Nam, An Huy và Cát Lâm đã tăng hơn 20% trong quý II, nhưng mức chi tiêu ở Hồ Bắc và Liêu Ninh vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch.

“Sự phân hóa ở cấp thành phố cũng nghiêm trọng không kém. Có tới 5 thành phố trực thuộc tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương có doanh số bán lẻ chưa thể phục hồi bằng mức hai năm trước”, Zhang nói và cho rằng: “Trong năm qua, tốc độ tăng thu nhập của các gia đình thu nhập thấp ở Trung Quốc tương đối thấp. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến tiêu dùng yếu hiện nay”.

Hui Shan, Chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Goldman Sachs, cho biết vẫn chưa rõ liệu sự sụt giảm gần đây của tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình có báo hiệu sự phục hồi bền vững trong tiêu dùng hay không. Sau khi duy trì ở mức cao trong một năm, tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình đã giảm xuống 30,5% trong quý II, từ mức 33,3% trong quý I/2021.

Yue Su, Nhà kinh tế chính tại The Economist Intelligence Unit (EIC), cho biết sẽ là thách thức đối với chính phủ trong việc phục hồi nhu cầu trong nước và ngăn chặn tình hình việc làm xấu đi trong nửa cuối năm.

“Chúng tôi không kỳ vọng tiêu dùng tư nhân sẽ trở lại tốc độ tăng trưởng trước đại dịch trong giai đoạn 2021-2025 do các vấn đề liên quan đến tăng lương và thất nghiệp ở thanh niên”, Yue Su nói tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 16 đến 24 tuổi) tiếp tục tăng. Điều này đồng nghĩa những người còn lại trên thị trường lao động phải làm việc nhiều hơn.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đã tăng lên 15,4% vào tháng 6 từ 13,1% trong tháng 2 và 12,3% vào tháng 12. Trong khi, tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 25 đến 59 tuổi đã giảm xuống 4,2% vào tháng 6, từ 5% trong tháng 2, đánh dấu mức thấp nhất kể từ ít nhất là năm 2017.

Những rủi ro ở phía trước còn bao gồm việc bùng nổ xuất khẩu sau đại dịch của Trung Quốc đạt đỉnh. Giờ đây, chi phí nguyên liệu thô tăng cao và thiếu hụt nguồn cung ảnh hưởng đến hoạt động của nhà máy.

Các nhà phân tích cho biết, với việc nhu cầu mua ôtô và điện thoại di động bị dồn nén hiện đã giải tỏa xong, thì sản lượng tiêu thụ sắp tới có thể hạ, khiến tăng trường giảm tốc từ 5,2% đến 5,5% vào năm 2022. “Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP thực tế là 8,5% vào năm 2021 và giảm xuống còn 5,2% vào năm 2022”, chuyên gia Yue Su nói.

Bà cho biết tăng trưởng kinh tế sẽ giảm hơn nữa trong giai đoạn 2022-2025, khi những thay đổi về cơ cấu trở nên rõ rệt hơn và mô hình “lưu thông kép” của chính phủ sẽ làm trầm trọng hơn sự kém hiệu quả của nền kinh tế.

Jianwei Xu, Nhà kinh tế cấp cao tại Natixis, cho biết quyết định bất ngờ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vào tháng trước về việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, cho thấy nguồn vốn cho các công ty sẽ được cải thiện.

Nhưng nó không có nghĩa là bắt đầu cho một chu kỳ cắt giảm lãi suất mới hoặc báo hiệu chính sách mở rộng tài khóa. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng kinh tế thông qua việc vay nợ để đầu tư vào bất động sản và cơ sở hạ tầng.

Bắc Kinh lần đầu tiên từ bỏ mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm vào năm 2020 do sự bất ổn bởi đại dịch. Họ cũng không còn quá đặt nặng vấn đề này trong thước đo kinh tế đất nước, mà chuyển trọng tâm chính sách sang giải quyết các vấn đề bất bình đẳng xã hội và an ninh quốc gia.

“Hiện tại, đại dịch toàn cầu vẫn tiếp tục hoành hành và có nhiều yếu tố bất ổn hơn”, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc bình luận và cho rằng: “Sự phục hồi kinh tế trong nước vẫn chưa đồng đều, vẫn cần củng cố nỗ lực để phục hồi và phát triển ổn định”.

Phiên An (theo SCMP)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here