Mỹ bắt đầu cuộc chiến chống đậu mùa khỉ

0
Nhân viên ở Trung tâm Y tế Westchester (New York - Mỹ) tiêm vắc-xin đậu mùa khỉ cho một người đang lái xe Ảnh REUTERS

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố Tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng cần được quốc tế quan tâm (PHEIC) đối với bệnh đậu mùa khỉ – mức cảnh báo cao nhất của WHO. Đã có hơn 20.000 ca nhiễm được phát hiện ở hơn 75 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó khá nhiều quốc gia trước đây không có báo cáo ca nhiễm nào. Mỹ đang có 4.639 ca bệnh, cao nhất thế giới, tính đến 0 giờ ngày 29-7 (giờ địa phương).

Ca nhiễm đầu tiên ở Mỹ được phát hiện vào ngày 17-5, sau đó virus đã lan rộng. Chính quyền Tổng thống Joe Biden thông báo về việc hơn 780.000 liều vắc-xin được đưa ra công chúng vào thứ sáu tuần này (29-7, giờ địa phương). Số liều lần này cộng với 300.000 liều đã được phân bố vào đầu tháng, sẽ nâng con số tổng lên hơn 1 triệu liều. Chính quyền liên bang cũng đặt mua 5,5 triệu liều vắc-xin từ các nhà cung ứng và dự tính sẽ đưa vào xsử dụng vào 2023.

Nhân viên ở Trung tâm Y tế Westchester (New York – Mỹ) tiêm vắc-xin đậu mùa khỉ cho một người đang lái xe Ảnh REUTERS

“Hiện tại chúng tôi liên tục làm việc với nhà cung ứng để xem xét khả năng mở rộng kênh phân phối và đẩy nhanh tiến độ đưa vắc-xin ra cộng đồng” – Jennifer McQuiston, Phó Giám đốc của Bộ phận Bệnh lý và mầm bệnh nguy cơ cao tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC, Mỹ), phát biểu.

Vắc-xin sẽ được dùng để phòng bệnh đậu mùa khỉ có tên là Jynneos. Liệu trình gồm 2 mũi, mũi thứ hai cách mũi đầu ít nhất 1 tháng. Một loại vắc-xin nữa là ACAM2000 lại có nhiều phản ứng phụ hơn và không thể kiểm soát trên cơ thể người bệnh có hệ miễn dịch yếu và có bệnh lý về da hoặc đang trong thời kỳ thai sản.

Thuốc kháng virus Tecovirimat, được bán với tên gọi TPOXX, đã được chấp thuận đưa vào điều trị bệnh đậu mùa khỉ và hiện tại đang được dùng để chữa bệnh. TPOXX có thể ngăn việc lây nhiễm trong vòng 4 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, ngăn những triệu chứng nghiêm trọng trong vòng 2 tuần sau khi người bệnh tiếp xúc với nguồn bệnh.

Năm ngoái, chỉ có vài ca nhiễm đậu mùa khỉ ở toàn nước Mỹ. Với tần số ca bệnh mới xuất hiện, CDC đã tiến hành những buổi hướng dẫn chuyên gia chăm sóc sức khỏe cách xác định triệu chứng, đặt mua bộ test và cách chữa bệnh. CDC đã thông qua kênh Health Alert Network tổ chức 2 buổi tập huấn với sự có mặt của hơn 17.000 bác sĩ và chuyên viên y tế cũng như tiến hành trả lời câu hỏi trực tiếp.

Ngay cả khi được hướng dẫn trong chương trình tập huấn chuyên nghiệp như vậy, vẫn rất khó có thể phát hiện ca nhiễm vì triệu chứng không rõ ràng: giống như da đang nổi mụn bình thường, theo lời tiến sĩ Brian Caveney, Giám đốc phòng thí nghiệm Labcorp. Vì bệnh lây qua con đường tiếp xúc da, bác sĩ cũng cần phải có thông tin chi tiết và lịch sử tiếp xúc nguồn bệnh từ bệnh nhân.

New York đã công bố bệnh đậu mùa khỉ đã trở thành nỗi đe dọa sức khỏe cộng đồng. Động thái này giúp New York tăng cường khả năng chống dịch khi số lượng ca nhiễm gia tăng nhanh chóng.

Mới nhất, thành phố San Francisco ở bang California hôm 28-7 cũng công bố tình trạng khẩn cấp. Thành phố này đã có hơn 260 ca nhiễm sau khi ca nhiễm đầu tiên xuất hiện vào tháng 6. Trong lúc này, vắc-xin chống bệnh đậu mùa khỉ vẫn trong tình trạng khan hiếm ở San Francisco. Phòng khám cung cấp vắc-xin tại Bệnh viện Đa khoa Zuckerberg tại San Francisco đã đóng cửa vào giữa tuần này vì không đủ nguồn cho bệnh nhân. Dự kiến phòng khám sẽ mở lại vào thứ hai.

Dù vậy, Cơ quan phụ trách chăm sóc sức khỏe công cộng của San Francisco cũng đã thông báo nhận được 4.220 liều vắc-xin ngừa đậu mùa khỉ và sẽ phân phối khắp hệ thống bệnh viện trong toàn thành phố.

Theo Ngân Hà
Người Lao động

Nguồn: https://cafef.vn/my-bat-dau-cuoc-chien-chong-dau-mua-khi-20220730091159348.chn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here