TPHCM: Gỡ vướng cho việc hỗ trợ lao động tự do bị ảnh hưởng dịch Covid-19

0

Quan điểm của TPHCM khi thực hiện chính sách hỗ trợ đợt dịch Covid-19 là: “Kịp thời, công khai, đúng đối tượng, không để lợi dụng chính sách; làm nhanh nhưng không phiền hà, làm nhanh nhưng hiệu quả”.

Thiếu kinh phí, TPHCM sẽ chi thêm

Ngày 5/7, UBND TPHCM đã tổ chức họp báo thông tin về việc triển khai gói hỗ trợ lần 2 của TPHCM đối với người bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Chủ trì buổi họp báo, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TPHCM, khẳng định đây là một chính sách lớn, ảnh hưởng đến đông đảo người lao động, được thành phố lên kế hoạch chi tiết để thực hiện nhanh chóng và hiệu quả.

Cũng tại cuộc họp, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TBXH TPHCM đã thông tin chi tiết kế hoạch 2209/UBND-KT của UBND TP về việc triển khai chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND.

Theo đó, TPHCM quy định 6 nhóm đối tượng được nhận hỗ trợ với các điều kiện chi tiết, mức hỗ trợ và cách thức đăng ký nhận hỗ trợ. Kế hoạch cũng nêu rõ thời gian để thực hiện thủ tục của các cơ quan chức năng. Tổng kinh phí hỗ trợ đợt này dự kiến là 886 tỷ đồng.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM thông tin về kế hoạch hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ông Võ Văn Hoan cho biết: “Về thống kê thì đã ổn rồi, nhưng khi thực hiện thì có thể phát sinh. Kinh phí TPHCM đã chuẩn bị sẵn sàng, nếu phát sinh thì sẽ tiếp tục bố trí, không phải vì khống chế số tiền mà giảm đi việc hỗ trợ”.

Về quan điểm xây dựng gói hỗ trợ, TPHCM xác định đây là chính sách thể hiện sự quan tâm của chính quyền đến những đối tượng gặp khó khăn trong đợt dịch Covid-19. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công nhân lao động, những người yếu thế trong xã hội, đang gặp rất nhiều khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định quan điểm của TP khi thực hiện chính sách này là: “Kịp thời, công khai, đúng đối tượng, không để lợi dụng chính sách; làm nhanh nhưng không phiền hà, làm nhanh nhưng hiệu quả”.

Ông Võ Văn Hoan chia sẻ thêm: “Thành phố xác định đây là một trong những giải pháp vừa hỗ trợ cho người dân, vừa thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch, đồng thời phát triển kinh tế xã hội”.

Đây cũng là những chính sách mang đậm tính nhân văn, nghĩa tình, thể hiện tâm huyết và tình cảm giữa chính quyền và người dân thành phố, thể hiện sự chia sẻ trong cộng đồng, cùng nhau chung tay góp công và góp sức để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

TPHCM gỡ vướng cho việc hỗ trợ lao động tự do bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19 (Ảnh: Phương Nhi).

Gỡ vướng cho lao động tự do

Tại cuộc họp, nhiều phóng viên đã đặt vấn đề về những vướng mắc đã xảy ra khi lao động tự do xin nhận hỗ trợ trong đợt 1 như: Đã làm đơn nhưng chính quyền xã, phường không đồng ý mà không rõ vì sao; buộc phải có giấy xác nhận chưa nhận trợ cấp của chính quyền nơi người lao động thường trú…

Trả lời báo chí, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết trong kế hoạch hỗ trợ đợt này, UBND TPHCM đã quy định rõ ràng hơn đợt 1.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan chia sẻ: “Với lao động tự do mà yêu cầu xác nhận tại nơi thường trú thì cực lắm. Lao động chủ yếu là người miền Trung mà đi lại xác nhận thì tốn kém và mất thời gian. Năm nay, TPHCM không yêu cầu giấy xác nhận này, cứ có giấy xác nhận tạm trú là được nhận 1,5 triệu đồng”.

Cụ thể, khi người lao động làm đơn xin hỗ trợ thì trong vòng 7 ngày, UBND xã, phường, thị trấn phải trả lời là được hay không; không được thì trả lời rõ lý do là vì sao cho người lao động được biết.

Đợt này, TPHCM cũng bỏ quy định người lao động phải cung cấp giấy xác nhận chưa nhận hỗ trợ từ chính quyền nơi thường trú.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết quan điểm triển khai đợt hỗ trợ này là: “Thủ tục đơn giản, phê duyệt nhanh chóng, chi hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ 1 lần, tăng cường hậu kiểm”.

Theo đó, số tiền hỗ trợ sẽ được chuyển thẳng vào tài khoản ngân hàng của người lao động hoặc người nhận hộ. Với những ai không có tài khoản mới mời lên phường, xã để nhận.

Cuối cùng, TPHCM cũng sẽ tăng cường hậu kiểm để ngăn ngừa tình trạng trục lợi chính sách. Cụ thể là hậu kiểm danh sách đăng ký nhận hỗ trợ từ địa phương và doanh nghiệp lập. Thứ hai là chọn vài đơn vị để kiểm tra việc thực hiện công tác chi trả.

Tùng Nguyên – Nam Thái

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here