Vì sao hàng loạt công ty lớn chia tách?

0
Chỉ trong vài ngày, Johnson & Johnson, Toshiba và GE đồng loạt công bố kế hoạch chia nhỏ công ty. Xu hướng này có thể chỉ mới bắt đầu.

Wall Street ghét các công ty khổng lồ, cồng kềnh vì họ chẳng biết định giá các doanh nghiệp này thế nào. Nhưng đến bây giờ, CEO và ban lãnh đạo các tập đoàn lớn mới nhận ra thông điệp rằng họ cần phải nhỏ lại.

Johnson & Johnson hôm 12/11 thông báo sẽ tách làm hai – một phụ trách mảng sản phẩm tiêu dùng và một phụ trách thiết bị y tế – dược phẩm. Đây là tin tức chấn động mới nhất với ngành chăm sóc sức khỏe. Rất nhiều hãng dược phẩm lớn khác, như Pfizer, Merck và GlaxoSmithKline (GSK) đều đã chia tách trong vài năm qua, hoặc có kế hoạch làm điều này.

So với các sản phẩm hàng tiêu dùng, nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao hơn cho mảng thiết bị y tế, công nghệ sinh học và dược phẩm tăng trưởng nhanh. Cổ phiếu J&J vì thế tăng 2% đầu phiên giao dịch hôm qua.

Vaccine Covid-19 của Johnson & Johnson. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, khi Toshiba và GE chia tách, việc này không chỉ giới hạn trong vấn đề về y tế. “Để tồn tại và theo kịp xu hướng thị trường, các công ty cần nhìn vào đâu là mảng kinh doanh lời lãi nhất và đâu là nơi họ nên đầu tư thời gian, công sức”, Liz Young – Giám đốc Chiến lược Đầu tư tại SoFi – cho biết trên CNN, “Cạnh tranh khắc nghiệt lắm. Thỉnh thoảng, bạn phải phá chúng ra và gây dựng lại từ đầu”.

Các công ty lớn thuộc nhiều lĩnh vực khác trên thế giới cũng đang nhận ra lợi ích của việc chia nhỏ. Đại gia máy tính Dell gần đây đã tách riêng mảng điện toán đám mây VMWare thành công ty độc lập. Hãng bán lẻ L Brands cũng chia đôi thành Bath & Body Works và Victoria’s Secret.

IBM tách mảng dịch vụ công nghệ thông tin thành công ty mới có tên Kyndryl. Nhờ đó, Kyndryl có thể linh hoạt hơn trong việc liên doanh với các đối thủ điện toán đám mây của IBM. Ví dụ, mới hôm qua, công ty này thông báo thương vụ với Microsoft.

“Chúng tôi được tự do tham gia thị trường. Chúng tôi có thể tiếp tục phục vụ khách hàng của IBM, nhưng vừa mở rộng được hợp tác với các hãng công nghệ khác”, Giám đốc Tài chính của Kyndryl – David Wyshner cho biết.

Các công ty tách ra do nhận thấy nó giúp họ có quyền tự chủ lớn hơn trong việc hợp tác với các doanh nghiệp khác. Đây là điều họ khó làm được khi nằm trong một tập đoàn lớn.

Bên cạnh đó, tách riêng và bán tài sản cũng là một cách giúp các công ty đảo ngược quyết định từng khiến nhà đầu tư không hài lòng. Hai đại gia viễn thông Verizon và AT&T là ví dụ.

Cả hai cổ phiếu này đều diễn biến dưới trung bình thị trường trong vài năm qua, một phần vì doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng chậm. Lý do khác là lo ngại hai hãng ngày càng đi xa mảng kinh doanh viễn thông cốt lõi khi liên tục thâu tóm các doanh nghiệp mảng khác.

Verizon mua AOL và Yahoo, gộp hai thương hiệu này vào một công ty có tên Oath, sau đó đổi tên thành Verizon Media. Thương vụ này chưa bao giờ thực sự đem lại lợi nhuận. Verizon bán mảng này cho Apollo năm ngoái với giá 5 tỷ USD và chỉ giữ 10% cổ phần.

AT&T cũng lên kế hoạch tách riêng WarnerMedia và sáp nhập với Discovery. Thương vụ dự kiến hoàn tất giữa năm 2022, sẽ tạo ra một công ty mới có tên Warner Bros. Discovery.

Hà Thu (theo CNN)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here