Người lớn chúng ta nếu bị sếp giao việc vào ngày Tết cũng khó chịu, bực dọc, vậy thì tại sao lại thấy hợp lý khi bắt con trẻ phải “làm việc” vào thời gian đáng lý được nghỉ?
Cứ mỗi mùa Tết đến xuân về là chủ đề “Có nên giao bài tập Tết cho trẻ hay không?” lại được các bậc phụ huynh, giáo viên, chuyên gia giáo dục bàn luận sôi nổi. Người cho rằng không nên giao bài tập vì Tết là dịp để tất cả mọi người, không riêng gì trẻ em được nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình, được du xuân, trẩy hội,… Thông qua những hoạt động cùng gia đình, trẻ học hỏi được nhiều kỹ năng sống.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cần giao bài tập cho trẻ, bởi nếu không có bài tập trẻ sẽ sa đà vào TV, điện thoại trong những ngày Tết. Bên cạnh đó, nhiều người cũng lo sợ trẻ được nghỉ dài ngày, nếu không ôn tập thì đến khi đi học trở lại sẽ quên mất kiến thức.
Hay mới đây, một chuyên gia giáo dục cũng lên tiếng về vấn đề này. Vị chuyên gia cho rằng, cần giao bài tập Tết cho học sinh để các em làm quen với trách nhiệm, bên cạnh đó nếu bố mẹ không giao việc nhà cho con, mà giáo viên cũng không giao bài tập Tết cho học sinh thì dễ khiến gia đình bất hoà, bởi trẻ em sẽ mệt mỏi vì không biết làm gì, thậm chí mất an toàn khi không có ai giám sát. Ý kiến của vị chuyên gia này cũng gây nhiều tranh cãi.
“Làm thêm bài tập mấy ngày Tết không khiến con tôi và con các bạn thành thiên tài”
Nói về chuyện bài tập Tết, chị Thu Phương (quận Cầu Giấy, Hà Nội) có 2 con đang học lớp 7 và lớp 4 cho rằng: “Các con đã học cả năm, Tết là dịp để các con nghỉ ngơi”. Theo chị Phương, trên danh nghĩa, trẻ có cả kỳ nghỉ hè nhưng thực chất, những năm gần đây, hiếm đứa trẻ nào được nghỉ hè đúng nghĩa. Nhiều em chỉ được nghỉ 1, 2 tuần rồi lại lao vào học hè dưới nhiều hình thức. Vì vậy Tết nên là dịp để các con được nghỉ ngơi thực sự.
“Ai cũng muốn nghỉ ngơi ngày Tết, cả người lớn và trẻ con. Người lớn chúng ta nếu bị sếp giao việc vào ngày Tết cũng khó chịu, bực dọc, vậy thì tại sao lại thấy hợp lý khi bắt con trẻ phải “làm việc” vào thời gian đáng lý được nghỉ? Tôi nghĩ rằng làm thêm bài tập mấy ngày Tết cũng chẳng khiến con tôi và con các bạn thành thiên tài, vậy sao phải tăng thêm áp lực cho trẻ như vậy? Trong khi nhiều năm nay, chúng ta vẫn hô hào giảm áp lực học tập cho trẻ”, chị Thu Phương cho hay.
Theo bà mẹ này, nỗi lo con “nhàn cư vi bất thiện” của nhiều phụ huynh, giáo viên là đúng; nhưng thay vì giao một đống bài tập Tết thì cha mẹ nên cho con tham gia cùng mình những hoạt động ngày Tết như gói bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa, cùng đi thăm họ hàng,… Cha mẹ cũng có thể khuyến khích con đọc sách trong ngày Tết để có thêm kiến thức, giết thời gian mà không bị căng thẳng, áp lực. Nếu con đọc hết một cuốn sách, cha mẹ có thể trao phần quà nhỏ động viên, khích lệ.
Không phản đối bài tập Tết nhưng anh Kiên (Nam Định) cho rằng, bài tập phải ở lượng hợp lý, chỉ là 1, 2 bài tập khai xuân, khai bút đầu năm chứ không phải cả “một tá”. “Con trai tôi năm lớp 8 từng “được” cô giáo giao đến 30 câu bài tập Toán, còn chưa kể cả bài tập Tiếng Anh, Lý, Hoá nữa. Có hôm vừa xuống nhà nhận lì xì là chạy lên phòng làm bài tiếp.
Chuyện làm bài tập Tết chỉ nên là “lấy vía” chăm chỉ đầu năm, còn lại các cháu cần có khoảng thời gian thư giãn, vui vẻ bên gia đình. Nhiều người cứ nói sợ các cháu quên kiến thức. Tôi nghĩ nghỉ có mấy ngày mà quên hết kiến thức thì cũng hơi vô lý. Nếu có thì cũng rất ít”.
Theo ông bố này, chuyện sợ trẻ “cắm mặt vào điện thoại”, người lớn chỉ cần sắp xếp hợp lý cho trẻ những hoạt động Tết là được, không cần thiết phải “phó mặc” cho bài tập Tết.
“Tôi muốn con tôi nhớ về Tết như là những kỷ niệm đẹp bên gia đình, những món ăn ngon, những trò chơi vui nhộn, những lời chúc phúc mọi người,… Thành công không chỉ đến từ sách vở, mà còn đến từ sức khỏe, từ việc biết quan tâm đến người khác và từ việc học cách sống một cuộc sống có ý nghĩa”, anh Kiến chia sẻ.
Theo Thanh Hương
Phụ nữ số