Cách bảo vệ hệ hô hấp và tiêu hóa trong mùa đông

0

Dự báo thời tiết theo cách tính của y học cổ truyền cho thấy mùa đông năm nay sẽ lạnh sâu hơn những năm trước. Ảnh hưởng của thời tiết cộng thêm dư chứng từ nhiễm COVID-19 khiến nhiều người đang và sẽ phải đối mặt với không ít những khó khăn về sức khỏe.

 Thời tiết sinh bệnh tật

Hàn khí của mùa đông cản trở việc vận hành của khí huyết, dễ khiến bệnh cũ tái phát và trở nặng hơn. Những người vốn có bệnh lý về đường hô hấp như viêm mũi dị ứng, hen suyễn, ho; người khí chất yếu, thuộc thể khí hư, dương hư (thông thường dễ cảm thấy lạnh, dễ bị lạnh, cảm lạnh) cần cẩn trọng vì có nguy cơ sinh bệnh hoặc bệnh tăng nặng; huyết áp cũng dễ tăng cao…

Cảm lạnh (phong hàn) sẽ là chứng bệnh dễ phát sinh và mắc phải nhiều. Hàn tà còn đặc biệt ảnh hưởng đến phần dương của các tạng tỳ, thận, tâm, phế (công năng hít – thở, tiêu hóa, vận hành máu huyết, bài tiết…); sinh các chứng bệnh thường gặp như: ăn kém, đầy bụng, co rút cơ, đau vai gáy, đau lưng; tay chân lạnh, tiêu chảy, tiểu tiện nhiều…

Bổ sung các món ăn chế biến từ hến (hến xào, canh hến) giúp bổ huyết, bổ âm, sinh tân dịch cho cơ thể

 

Hơn nữa, cái khô lạnh của không khí khiến phần tân dịch (nước) trong cơ thể bị tiêu hao nhiều. Nếu không có sự bổ sung nước hợp lý cho cơ thể thì sẽ sinh chứng mũi khô, họng khô, ho khan; táo bón; da thịt khô, nứt nẻ da (đặc biệt là khu vực phía Bắc, Tây Nguyên).

Cách ăn uống, sinh hoạt phù hợp với tiết khí

Giữ ấm cho cơ thể là nguyên tắc tối thượng trong mùa này, nhất là các bộ phận đầu, cổ, tay chân. Có thể sử dụng thêm các loại sản phẩm dưỡng ẩm để da dẻ mềm mại, tránh khô nứt. Điều quan trọng là phải liên tục cấp nước (nước ấm) đầy đủ cho cơ thể.

Nên ngủ sớm trước 23 giờ đêm, dậy muộn sau khi mặt trời đã mọc. Sau khi thức giấc nên tự xoa bóp cho cơ thể ấm lên, khoảng 10 – 20 phút, mới rời khỏi giường. Cụ thể, dùng 10 ngón tay chải đầu từ trước ra sau; chà hai tay vào nhau cho ấm để xoa mắt, mặt, tai, cổ gáy xuống ngực và bụng; dùng hai bàn chân chà vào nhau.

Hoàng kỳ, đương quy, kỷ tử, hạt sen… các vị thuốc kết hợp chế biến món ăn dưỡng sinh mùa đông

Vào mùa đông cần đặc biệt lưu ý thêm vùng thận (eo, lưng), bằng cách ngồi vững trên giường hoặc ghế, hai tay nắm lại, dùng mặt lưng của tay xoa vùng thắt lưng (nơi vị trí hai quả thận) xuôi và ngược chiều kim đồng hồ mỗi bên 12 vòng; khi xoa tập trung ý vào hai quả thận.

Ban đêm, hạn chế đi ngoài đường, đặc biệt là người già và trẻ em. Nên thường xuyên ngâm chân với nước nóng, thêm muối hạt và các loại thảo mộc có tính ấm như gừng, lá lốt… sẽ giúp giảm trừ khí hàn tốt hơn.

Ăn uống nên giảm vị mặn, hạn chế dầu mỡ, đồ sống lạnh; tăng thực phẩm có vị đắng, giảm vị chua cay. Người già không nên ăn uống quá no, chỉ nên ăn khoảng 80% sức chứa của bụng, sau ăn nên đi lại nhẹ nhàng, không vận động mạnh.

“Xuân hạ dưỡng dương, thu đông dưỡng âm” là kim chỉ nam dưỡng sinh trong đông y. Theo đó, cần bổ sung các loại thực phẩm có tính âm như: cua đồng, hến, lươn, vịt, ngó sen, củ sen, mộc nhĩ, rau hẹ, nước dừa, mè, các loại đậu… Khi chế biến các món này luôn cần kết hợp thêm gừng, tiêu, rau răm, lá lốt…

Để sinh tân dịch, cho da dẻ mịn màng, nên uống thêm trà từ lá dâu tằm, bí đao hoặc ăn cháo nấu với một trong các dược liệu như: đẳng sâm, hoàng kỳ, kỷ tử, sinh địa, mè, mộc nhĩ, bách hợp, sinh địa… Song song đó, cũng cần kết hợp thêm các thực phẩm có tính ấm, bồi bổ tinh lực như: thịt dê, thịt gà, bò, tủy bò, tôm, trứng cút…

An Hà

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here