Tự điều trị vì tin thuốc nam “lành tính”

0

Cho rằng uống thuốc nam lành tính, nhiều bệnh nhân từ chối tới các cơ sở khám chữa bệnh, thậm chí bỏ ngang phác đồ điều trị để theo đuổi những bài thuốc “thần kỳ” được truyền tai. Hậu quả, không ít người phải gánh họa, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.

 

Loại thuốc đông y không có nguồn gốc, thành phần

Mất chân sau khi điều trị với… thuốc thầy lang

Chị N.T.M. (sinh năm 1973, Bắc Ninh) bị xước ở đầu ngón tay cái. Vết xước tưởng rất nhỏ và vô hại bỗng dưng sưng tấy, mưng mủ. Sau khi tự nặn, chích tại nhà, chị M. phải đi bệnh viện vì tổn thương ngày càng lan rộng, đầu ngón tay nhiễm trùng, há như “mõm rắn”. Tại bệnh viện tuyến tỉnh, chị M. được phát hiện mắc bệnh tiểu đường và được chỉ định điều trị bằng kháng sinh.

Tuy nhiên, chị được một người quen mách, có thầy lang nổi tiếng ở Bắc Giang chữa vết thương hoại tử rất giỏi, nên đã bỏ ngang việc điều trị để chuyển sang đắp lá. “Sau khi đắp lá được bốn hôm, vết thương của tôi càng trở nên trầm trọng. Nhiều vùng da mưng mủ, chảy nước. Trước kia, vùng sưng tấy chỉ nằm ở bàn tay thì nay lên cả trên cánh tay. Chỉ trong vài ngày, tôi đã sút mất năm ký, cơ thể vô cùng mệt mỏi và có cảm giác kiệt sức”, chị M. chia sẻ.

Thấy tình trạng bệnh của chị M. ngày càng phức tạp, gia đình quyết định đưa chị xuống Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Bác sĩ (BS) Nguyễn Ngọc Thiện – Phó trưởng khoa Bàn chân – cho hay, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nhiễm khuẩn nghiêm trọng. Tình trạng nhiễm khuẩn này đẩy đường huyết của bệnh nhân lên cao, dẫn tới nguy cơ phải cắt tới vùng cánh tay. “May mắn là bệnh nhân trẻ tuổi, đáp ứng tốt nên sau khi cắt lọc, chúng tôi đã bảo toàn được tay bệnh nhân, dù vô cùng khó khăn”, BS Nguyễn Ngọc Thiện nói.

Chị M. chỉ là một trong số rất nhiều bệnh nhân tại Khoa Bàn chân – Bệnh viện Nội tiết Trung ương “gặp họa” vì tự ý điều trị bằng thuốc nam. Theo BS Thiện, có nhiều trường hợp sử dụng thuốc nam ngâm chân để “đả thông kinh lạc”. Tuy nhiên, do bị mất cảm giác, tê bì nên vô tình bệnh nhân bị bỏng sâu. Điển hình như trường hợp ông V.A.L. (Sơn La), sau khi gặp tai nạn, bệnh nhân không tới bệnh viện mà đắp thuốc nam khiến vùng chân bị nhiễm khuẩn nặng. Khi tiếp nhận, các BS đã phải cắt tới vùng cẳng chân để bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân.

BS Thiện phân tích, với người bệnh tiểu đường, chỉ cần một tổn thương rất nhỏ trên cơ thể cũng có thể biến chứng nghiêm trọng. Nếu không điều trị kịp thời, đặc biệt, việc sử dụng các loại lá cây, thuốc bột, rất dễ làm cho vết thương nhiễm trùng và diễn biến bệnh càng thêm phức tạp.

Ngoài bệnh nhân tiểu đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương còn tiếp nhận nhiều bệnh nhân Basedow (một dạng bệnh nội tiết, cường giáp phổ biến nhất hiện nay) bị hoại tử, sẹo lớn do điều trị bằng thuốc nam. Các bệnh nhân này thường không tuân thủ chỉ định điều trị của bệnh viện mà tự đắp lá thuốc sau khi được người quen “truyền miệng”. Sau khi đắp thuốc nam vào vùng cổ hoặc uống để “tiêu” bướu cổ, không những không chữa được bệnh, nhiều bệnh nhân còn phải nhập viện vì bỏng rát da, hoại tử, để lại sẹo chằng chịt và bệnh tiến triển nặng hơn khiến lồi mắt, run tay…

Bệnh nhân suýt tử vong vì uống phải thuốc nam không rõ nguồn gốc có chứa chất cấm

Cẩn trọng với thuốc Nam trộn tân dược

Mới đây, Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) tiếp nhận một trường hợp cấp cứu sau khi uống thuốc nam. Bệnh nhân T.V.T. (47 tuổi, Thanh Thủy, Phú Thọ) bị đau cột sống nhiều năm nay. Hơn một tháng trước, nghe người quen giới thiệu, bệnh nhân tới khám ở một thầy lang và được kê thuốc uống với cam kết chữa khỏi bệnh. Tuy nhiên, sau khi dùng hơn một tháng, anh có biểu hiện bụng chướng và đau dữ dội. Bệnh nhân tới Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy trong tình trạng thủng dạ dày – tá tràng… Kết quả thăm khám cho thấy trong dạ dày của bệnh nhân có vết thủng to bằng đầu ngón tay cái khiến thức ăn tràn vào khoang bụng, gây viêm nhiễm phúc mạc…

BS Nguyễn Bá Trình – Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy – chia sẻ, đơn vị này từng tiếp nhận nhiều trường hợp biến chứng như anh T. do tự ý sử dụng thuốc nam để chữa xương, khớp. Nhiều loại thuốc nam không rõ nguồn gốc có thể bị trộn tân dược như corticoid, thuốc kháng viêm không steroid, thuốc giảm đau (aspirin, ibuprofen…)…

Với loại thuốc trộn này, người sử dụng có thể cảm nhận tác dụng rất nhanh: dịu cơn đau, giảm sưng tấy, nhức mỏi… Tuy nhiên, sau một thời gian, người bệnh sẽ có nhiều triệu chứng: từ buồn nôn, chán ăn, đau thượng vị tới loét dạ dày – tá tràng, thủng đường tiêu hóa…

Corticoid là tân dược bị lạm dụng, phối trộn phổ biến nhất vào các loại thuốc đông y. Corticoid có hiệu quả chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch tốt nên được xem như “thần dược” trong các bệnh về da liễu, khớp, dị ứng… Do tác dụng mạnh nên khi uống 2-3 liều, bệnh nhân đã thấy cải thiện, dễ chịu. Tuy nhiên, corticoid được các BS chỉ định một cách thận trọng, dè dặt, bởi khi sử dụng kéo dài, ngoài các tác dụng phụ kể trên còn có thể ảnh hưởng tới tính mạng, gây ra hàng loạt căn bệnh như: suy tim, loãng xương, suy thượng thận, hội chứng Cushing (biến chứng nặng do sử dụng corticoid liều cao, điều trị khó khăn và có thể phải phụ thuộc vào thuốc suốt đời)… Người bệnh sẽ bị phù mặt, da mỏng đỏ, chán ăn, sụt cân đi kèm nhiều bệnh lý nền khác…

BS Phạm Thúy Hường – Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương – nhấn mạnh, việc điều trị bệnh nhân dùng thuốc nam trộn corticoid khó khăn hơn nhiều lần so với thông thường bởi không thể biết được hàm lượng thuốc đã sử dụng. Có thể liều lượng thuốc trộn trong từng thang thuốc không lớn nhưng do bệnh nhân bôi hoặc uống trong thời gian dài nên để lại hậu quả. Ngay cả khi đã có biểu hiện điển hình của hội chứng Cushing là phù nề mặt, người bệnh vẫn tin rằng thuốc nam có tác dụng… giữ nước. Thậm chí, có người nghĩ bệnh tình của mình thuyên giảm, ăn ngon, ngủ tốt hơn nên đã béo lên.

Các chuyên gia chia sẻ, thuốc nam là một trong những thế mạnh của nền y học Việt Nam. Tuy nhiên, mục đích trục lợi và sự xuất hiện của nhiều “thầy lang” tự phong, không được đào tạo bài bản đã khiến nhiều người bệnh “tiền mất, tật mang”. Do đó, khi có bệnh, nếu muốn điều trị bằng thuốc nam, người dân nên đến các cơ sở y tế, trong đó có các bệnh viện y học cổ truyền, khoa y học cổ truyền của các bệnh viện, các thầy thuốc được cấp chứng chỉ hành nghề để điều trị; tuyệt đối không nghe theo những lời “rỉ tai”, “truyền miệng”, quảng cáo “nổ”, vô căn cứ…

Khi có bệnh, nếu muốn điều trị bằng thuốc nam, người dân nên đến các cơ sở y tế, trong đó có các bệnh viện y học cổ truyền, khoa y học cổ truyền của các bệnh viện, các thầy thuốc được cấp chứng chỉ hành nghề để điều trị

 

Bộ Y tế vào cuộc, quảng cáo “nhà tôi ba đời nhận chữa…” vẫn nhan nhản 

Thời gian gần đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết đã ghi nhận những quảng cáo về thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật, đội lốt thuốc y học cổ truyền. Cục An toàn thực phẩm khẳng định không hề cấp phép cho những loại thuốc cam kết “chữa khỏi”, “chữa khỏi hoàn toàn”… như trên các trang mạng xã hội đăng tải.

Đơn vị này đã phối hợp với lực lượng chức năng vào cuộc điều tra, xử lý nhiều sản phẩm vi phạm; trong đó có những vụ việc có người nổi tiếng quảng cáo thực phẩm chức năng chưa đúng, gây hiểu lầm công dụng chữa bệnh…

Tuy nhiên, đến nay, những quảng cáo như “nhà tôi ba đời nhận chữa sỏi thận” hay những “ông lang, bà lang” khẳng định chữa khỏi bệnh… vẫn tràn lan trên YouTube và Facebook.

Những quảng cáo dạng này thường để lại số điện thoại và mời gọi người dân liên hệ để được tư vấn miễn phí, hứa hẹn không lấy tiền nếu chữa bệnh không khỏi. Đặc biệt, những quảng cáo này còn được cắt ghép với hình ảnh các biên tập viên, phóng viên truyền hình để làm tăng niềm tin với khách hàng.

Huyền Anh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here